Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 12 để sẵn sầng ứng phó bão Vamco
Để chủ động ứng phó với bão số 12, trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tập trung chỉ đạo, triển khai các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Các địa phương dự báo có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ phải chủ động phối hợp với các ngành chức năng để triển khai công tác ứng phó.
Phó Thủ tướng đánh giá mặc dù gió bão số 12 không mạnh như bão số 9 vừa qua, nhưng bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực Phú Yên, Khánh Hòa là khu vực có rất nhiều lồng bè nuôi trồng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao trên biển nên công tác bảo đảm an toàn cho người trên các lồng bè phải đặc biệt được quan tâm.
Nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ quét, mất an toàn hồ đập vì khu vực này đã bị mưa lớn kéo dài, rất dễ xảy ra sự cố. Phó Thủ tướng nhận thấy thời gian vừa qua thiệt hại trực tiếp về tính mạng người dân do bão về cơ bản đã kiểm soát được, nhưng thiệt hại về người do mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét sau bão là rất lớn.
Trước hết Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương phải tiếp tục rà soát, hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho người dân hoạt động trên biển và trên các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, tập trung quản lý tàu thuyền vào nơi neo đậu. Đặc biệt phải di dời, hướng dẫn người dân đang còn trên biển vào nơi an toàn.
“Các địa phương và lực lượng liên quan phải kiểm soát, hướng dẫn người dân chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn, không để tình trạng như cơn bão số 12 năm 2017 cũng đổ bộ trực tiếp vào khu vực này đã gây thiệt hại rất nặng nề tại Khánh Hòa”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Chủ động rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các khu vực miền núi đã xảy ra mưa lũ lớn kéo dài trong cả tháng vừa qua để sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (vừa qua nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình đã làm rất tốt công tác di dời và sơ tán dân cư, kịp thời sơ tán người dân nên mặc dù bị lũ quét, sạt lở đất vùi lấp hàng chục nhà cửa của dân nhưng tính mạng của người dân vẫn được bảo đảm an toàn).
Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực ngầm tràn, nước chảy xiết. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng tự bảo đảm an toàn trong thời gian bão, mưa lũ (hạn chế đi lại khi bão, lũ; không vớt củi trong khi lũ,…) nhằm giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc gây thiệt hại về tính mạng cho người dân.
Tiếp tục rà soát, hỗ trợ chăm lo đời sống cho người dân bị ảnh hưởng do lũ, bão vừa qua, nhất là về lương thực, thực phẩm, không được để người dân nào thiếu đói (chính quyền địa phương phải chủ động rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói để kịp thời hỗ trợ cho người dân, trong đó lưu ý cả các hộ có thể không bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất – như ngư dân không ra khơi được do liên tục có bão thời gian vừa qua). Các địa phương cùng với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phải rà soát, tổ chức hỗ trợ kịp thời, không để người dân nào thiếu đói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hơn một tháng qua, nước ta liên tiếp chịu tác động của bão, mưa lũ. Trong đó miền Trung liên tiếp lũ chồng lũ, bão chồng bão.
Chỉ hơn 1 tháng, các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân đã phải căng mình ứng phó với 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; mưa lũ liên tiếp hết đợt này tới đợt khác (đây có lẽ là đợt mưa lũ, bão kéo dài nhất trong nhiều năm qua). Đặc biệt bão số 9 là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua đã gây thiệt hại rất lớn đối với tính mạng, tài sản của người dân, nhất là nhà cửa, phương tiện sản xuất, hạ tầng.
Trong vài ngày tới, bão VAMCO được dự báo sẽ lại tiếp tục đi vào Biển Đông (khả năng ngày 12/11 bão VAMCO sẽ vào Biển Đông), sau đó ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền khu vực miền Trung. “Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ sau bão, cũng như chuẩn bị ứng phó với những diễn biến thiên tai phức tạp trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng cần theo dõi sát diễn biến của bão VAMCO để chủ động chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bão VAMCO được dự báo là cơn bão mạnh, khi vào Biển Đông gió có thể đạt cấp 12, giật cấp 15. Do vậy, công tác ứng phó cần được triển khai sớm, kịp thời, quyết liệt, tránh tâm lý chủ quan có thể gây thiệt hại đáng tiếc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ sau bão số 12 và diễn biến của bão VAMCO để dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân chủ động phòng tránh (cần nhận định thông tin sớm về nguy cơ bão VAMCO để tàu thuyền không đi vào khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão VAMCO sau đó lại phải di chuyển tránh trú dẫn tới tốn kém cho người dân).
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an tiếp tục chủ động hỗ trợ các địa phương khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, đặc biệt là tập trung khôi phục lại đường giao thông, trường lớp để tạo điều kiện cho học sinh trở lại trường sớm, tránh ảnh hưởng quá lớn tới chương trình học. Các địa phương cùng với các bộ, ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Chủ động triển khai lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố trên biển, trên đất liền, cũng như hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão, lũ. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn và các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương. Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tập trung lực lượng trong quân đội và phối hợp liên ngành, quân khu trên địa bàn phải cơ động có mặt tại các điểm xung yếu.
Duy Sơn