Khắc phục bất cập của Nghị định 20, đề xuất nâng trần chi phí lãi vay lên 30%
Mới đây cuộc họp xoay quanh vấn đề sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 20) của Chính phủ đã chính thức diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Một trong những điểm bất hợp lý của Nghị định 20 là đưa thêm những quy định mới không có trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mà cụ thể là việc áp dụng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay cố định như quy định tại khoản 3, điều 8. Cụ thể tại khoản 3, điều 8 của Nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Thông qua quy định này, các đại biểu nhận định Nghị định 20 dường như chưa nghiên cứu tổng thể điều kiện thực tiễn của Việt Nam và cũng chưa có đánh giá toàn diện tác động của quy định này đến môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%. Như vậy có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Về phía Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết qua 2 năm triển khai Nghị định 20, bên cạnh mặt tích cực là chống chuyển giá, Nghị định cũng bộc lộ một số bất cập như: phạm vi đối tượng áp dụng rộng, áp dụng cho tất cả đơn vị có giao dịch liên kết; gây khó cho các hoạt động của doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước.
Tuy nhiên trái ngược với các đại biểu khác hầu như tập trung vào những hạn chế, bất cập của Nghị định 20, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Cao Anh Tuấn lại đề cập nhiều hơn tới ý nghĩa và lợi ích chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết nói chung của Nghị định 20 trên tinh thần ứng xử công bằng, khách quan giữa các loại hình doanh nghiệp. “Chúng tôi đã dành hẳn 2 năm để nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng dự thảo Nghị định 20 trên cơ sở tham khảo và tiếp thu ý kiến đóng góp các bên, nhất là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Thực tế, khi lấy ý kiến về quy định chi phí lãi vay, các doanh nghiệp trong nước không có ý kiến gì còn các doanh nghiệp FDI thì lại phản ứng mạnh. Tuy nhiên khi Nghị định 20 được ban hành thì các doanh nghiệp FDI lại thể hiện sự đồng thuận vì đã đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế; ngược lại các doanh nghiệp trong nước lại có phản ứng trái chiều về chi phí lãi vay, hầu hết đều thể hiện thái độ phản đối”- người đứng đầu Tổng cục Thuế cho hay.
Đồng tình với Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Trần Quang Chiểu cũng bày tỏ sự ủng hộ Nghị định 20, nhất là tác dụng chống chuyển giá. “Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng Nghị định 20 như một “tội phạm” cản trở phát triển kinh tế. Nếu không có quy định này, tôi xin khẳng định vấn đề chuyển giá sẽ còn diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Kể từ khi có Nghị định 20, việc chuyển giá, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI hầu như không phát sinh” – ông Chiểu nhấn mạnh
Trên cơ sở đồng tình với những khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng Nghị định 20, ông Chiểu cho rằng Chính phủ chỉ cần tập trung xử lý số lượng 15% là các doanh nghiệp trong nước trong tổng số các giao dịch liên kết hiện nay. Theo đó ông Chiểu đề xuất phương án khắc phục gồm: nâng chi phí mức lãi vay từ 20% như hiện nay lên 30% và kèm theo điều kiện loại trừ một số trường hợp; cho phép hạch toán chi phí lãi vay vào số lỗ được chuyển giao theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của ông Chiểu, lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Bộ Tư pháp thống nhất đề xuất Chính phủ soạn thảo một Nghị định sửa đổi Nghị định 20 theo hình thức rút gọn. “Doanh nghiệp sẽ thấy thỏa đáng khi nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30% – cao hơn mức huy động lãi suất ngân hàng” – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhận định.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng. Ông Huệ đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi theo quy trình rút gọn, không chờ Chính phủ ban hành nghị định thực hiện toàn diện luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, đồng thời bảo đảm kịp thời gian quyết toán thuế năm 2019.
Trân Nguyễn