Kết nối cung cầu hàng hoá khu vực – Phát huy vai trò “đầu tàu” của Tp.HCM

Trên tinh thần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, thời gian qua Tp.HCM – thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng đầu của ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ đã đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong vùng.

Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM Nguyễn Đức Kiên cho biết mặc dù sở hữu thế mạnh phát triển nông nghiệp đa dạng song giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL chưa có sự liên kết trong khâu sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm; chưa hình thành được các chuỗi công đoạn bổ sung, hỗ trợ nhau; thậm chí còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.

Cũng như vùng ĐBSCL, các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ dù có lợi thế sản xuất nông nghiệp với nhiều chủng loại nông – thủy sản, trái cây, rau củ quả phong phú nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình canh tác cũng như vấn đề đầu ra cho nông sản.

Theo khuyến nghị của ông Kiên, để tạo mối dây liên kết vùng bền chặt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh Đông – Tây Nam bộ cần quan tâm hỗ trợ cũng như có chính sách khuyến khích các địa phương phát triển theo mục tiêu chung. Trong đó chú trọng phát huy lợi thế thị trường, định hướng dẫn dắt sản xuất của Tp.HCM thông qua việc đưa ra điều kiện, yêu cầu cụ thể để từ đó các địa phương có hướng cung ứng phù hợp.

Có thể thấy Tp.HCM là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng đầu của vùng Đông – Tây Nam bộ, chính vì vậy thời gian qua Thành phố và các địa phương trong vùng đã tích cực đồng hành cùng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu. Về phía chính quyền Tp.HCM đã có những giải pháp có tác động lớn đến các địa phương như: Chương trình Bình ổn thị trường, Hợp tác thương mại,Truy xuất nguồn gốc thực phẩm… Các chương trình, giải pháp này luôn được các tỉnh, thành trong vùng quan tâm, chủ động, tích cực phối hợp với Thành phố để cùng thực hiện.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Lê Minh Đức cho biết thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển Công Thương giai đoạn 2016 – 2020 giữa Long An và Tp.HCM, thời gian qua Sở Công Thương tỉnh Long An đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực, kết nối cung cầu giữa hai thị trường. Thông qua các đợt kết nối đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao sản lượng hàng hóa tiêu thụ của tỉnh nhà. Tuy nhiên “nút thắt” hiện nay là đầu ra của nông sản Long An vẫn chưa ổn định; một số hợp đồng ký kết song trong quá trình triển khai vẫn chưa đạt kỳ vọng. “Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kết nối cung – cầu, các địa phương như Long An phải tiếp tục mở rộng ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn với các doanh nghiệp Tp.HCM; đồng thời tiếp tục phối hợp với Thành phố tham gia Đề án Nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm như thịt và trứng gia cầm” – ông Đức khuyến nghị.

Qua 5 năm (2012- 2016) triển khai kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành phố, đã có 1.761 hợp đồng được ký kết. Riêng tại Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa năm 2017 đã có 504 hợp đồng được ký kết với hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia.

Hội nghị Kết nối cung – cầu giữa Tp.HCM với các tỉnh, thành phố năm 2018 dự kiến sẽ diễn ra ở Bến Tre từ ngày 23 – 24/11/2018.

Theo Minh Đường