Kế hoạch trấn áp các công ty lớn tại Trung Quốc

Cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với doanh nghiệp tư nhân đã xóa sổ hơn 1,2 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của nhiều công ty quyền lực của Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về tương lai đổi mới ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của nỗ lực quyết liệt giành quyền kiểm soát của Bắc Kinh không phải là tạo ra hỗn loạn. Chính phủ muốn nói rõ với các ông trùm doanh nghiệp của mình rằng việc khai thác thị trường tư bản là tốt – miễn là nó tuân theo các điều khoản của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền. Việc bán tháo đã tăng nhanh trong những tháng gần đây khi chính quyền Trung Quốc phạt các công ty, cấm các ứng dụng từ các cửa hàng và yêu cầu một số công ty cải tổ hoàn toàn hoạt động kinh doanh của họ.
Hàng trăm tỷ USD giá trị thị trường đã bị xóa sổ chỉ trong tuần trước, sau khi các cơ quan quản lý tuyên bố hạn chế ngành dạy thêm của Trung Quốc và lĩnh vực giao đồ ăn của nước này. Theo cách nhìn của Bắc Kinh, những nỗ lực kiềm chế doanh nghiệp tư nhân là nhằm bảo vệ nền kinh tế và công dân đất nước khỏi sự bất ổn. Chúng cũng nhằm giải quyết những lo ngại lâu nay về việc làm quá sức, bảo mật dữ liệu và bất bình đẳng trong giáo dục.
Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, cho biết: “Cuối cùng, việc đàn áp kinh doanh tư nhân của Bắc Kinh là để kiểm soát. Ưu tiên chính là ngăn chặn hành vi giữa các công ty tư nhân có thể tạo ra các hoạt động độc lập hơn và có khả năng dẫn tới hành động phi tuân thủ, điều này làm suy yếu mô hình lấy nhà nước làm trung tâm của Bắc Kinh”.
Các nhà phân tích từ Goldman Sachs đã viết trong một báo cáo nghiên cứu tuần trước rằng chiến lược này là “chưa từng có về thời gian, cường độ, phạm vi và tốc độ của các thông báo chính sách mới. Chính quyền Trung Quốc đang ưu tiên phúc lợi xã hội và tái phân phối của cải trên thị trường vốn ở những khu vực được coi là thiết yếu với xã hội và hàng hóa công cộng”.
Chuyên gia Opper thuộc Đại học Bocconi, trích dẫn những lo ngại tương tự, nói thêm rằng quyết định của Bắc Kinh nhằm vào các công ty cụ thể có thể không phải là “phản ứng chính sách hiệu quả nhất”.
Bà gợi ý rằng việc đánh thuế lũy tiến và hỗ trợ giáo dục cho người nghèo có thể chống bất bình đẳng thành công hơn. Bà nói: “Chính phủ Trung Quốc có thể cảm thấy rằng các chính sách hạn chế có thể được đưa ra, khi đất nước đã tiến gần hơn đến lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng rất khó có khả năng tinh thần kinh doanh – được các nhà lãnh đạo tiền nhiệm [Chủ tịch] Tập Cận Bình thể hiện rất thành công – tồn tại dưới một chế độ quản lý, hạn chế cao”.
Hoàng Dũng