Kế hoạch tổng thể để mở cửa lại nền kinh tế và sinh hoạt xã hội một cách bền vững thời kỳ hậu dịch
Thế giới ngày nay biến đổi không ngừng với hai động lực của con người là Sinh tồn và Phát triển bởi theo các nhà lý luận, bản chất cốt lõi của loài người là “Uỷ tử cầu sinh” (muốn sống lâu và sợ chết) và “Nhân dục vô nhai” (tham vọng không có giới hạn).
Đó là lý do mỗi quốc gia khi xây dựng chiến lược đất nước đều phải lồng ghép hai động lực Sinh tồn và Phát triển của con người làm đòn bẩy cho các kế hoạch tăng trưởng kinh tế – xã hội. Quốc gia nào phát huy hiệu quả các mặt tích cực cũng như hạn chế được các mặt tiêu cực của hai động lực này sẽ thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nói cách khác phải biết dung hoà hai động lực này một cách hợp lý và đây cũng là phép thử để so sánh tính hiệu quả trong hoạt động của mỗi chính phủ.
Hiện nay đại dịch Covid – 19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của các quốc gia trên toàn cầu nhưng mức độ tàn phá cũng như thời gian diễn ra cú sốc lại khác nhau. Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và bảo vệ sự sinh tồn, giải pháp phổ biến nhất của chính phủ các nước chính là cách ly xã hội (phong tỏa). Giải pháp này một mặt góp phần bảo vệ cuộc sống, sự sinh tồn của người dân mặt khác nó cũng kìm hãm mạnh mẽ sự phát triển và kế sinh nhai của người dân. Việc mở rộng cách ly xã hội sẽ có tác động nghiêm trọng đối với nhiều người lao động, doanh nghiệp và chính phủ.
Việt Nam cũng đã trải qua quãng thời gian tăng cường cách ly xã hội trong hơn 1 tháng và tiếp kéo dài thêm hai tuần nữa cho đến đầu tháng 5. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ khi 13 ngày qua Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6 giờ ngày 29/4, tổng số ca nhiễm Covid – 19 trong nước vẫn là 270 ca, trong đó có 222 ca được công bố khỏi bệnh, chưa có ca tử vong.
Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam là rất đáng ghi nhận song cuộc chiến còn tiếp diễn để đảm bảo sự sinh tồn. Theo thông tin của Chính phủ, 28 tỉnh thành thuộc nhóm “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” bùng phát dịch Covid-19 như danh sách đưa ra ngày 15/4 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16; trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh. Tuy nhiên, Chính phủ lưu ý vẫn phải cảnh giác, chấp nhận sống trong trạng thái có dịch. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 23/4 đã nêu rõ chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm; chống dịch phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại.
Cho đến nay, phần lớn các cuộc thảo luận của chính phủ các nước đều xoay quanh câu hỏi: Khi nào thì nên gỡ lệnh phong tỏa, mở cửa nền kinh tế trở lại và mở cửa như thế nào? Thay vì công bố vào phút cuối, mọi kế hoạch, mọi quyết định cần phải được nhanh chóng đưa ra ngay bây giờ; nếu không sự hỗn loạn sẽ xảy ra hoặc số lượng các trường hợp nhiễm bệnh mới sẽ tăng đột biến, hoặc cả hai. Đó là lý do chúng ta cần phải trả lời câu hỏi quan trọng nhất là làm thế nào khởi động lại nền kinh tế để mọi người có thể quay lại kiếm sống, có lại kế sinh nhai một cách an toàn, qua đó doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước tiếp tục phát triển.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, kế hoạch tổng thể để mở cửa lại nền kinh tế và sinh hoạt xã hội một cách bền vững phải bao gồm 3 nội dung chính gồm:
* Thử nghiệm mở rộng: Bước đầu tiên Chính phủ phải đảm bảo với người dân rằng các bước đang được thực hiện là để đảm bảo họ quay trở lại làm việc an toàn bằng cách mở rộng xét nghiệm. Việc sử dụng đúng các xét nghiệm cho phép sàng lọc, chọn lựa những người có thể quay lại làm việc so với những người phải kiểm dịch hoặc làm các xét nghiệm xác nhận. Điều này nhằm đảm bảo những người khỏe mạnh sẽ trở lại làm việc với một tâm trạng thoải mái rằng họ đang làm việc với những người khỏe mạnh như mình. Tất nhiên, tất cả các công cụ kiểm tra an toàn như: tiêu chuẩn, năng lực, thiết bị cơ sở hạ tầng… sẽ vẫn cần phải được thực hiện thường xuyên để tránh bị nhiễm và lây lan dịch
* Xây dựng Chương trình Kiểm dịch cộng đồng mới: Một khi người lao động cảm thấy an toàn, nền kinh tế có thể từ từ bắt đầu lại bằng việc xây dựng chương trình Kiểm dịch cộng đồng mới. Điều này có thể được thực hiện bằng các biện pháp hiệu chỉnh như xác định ngành và phân khúc nào của lực lượng lao động sẽ trở lại làm việc. Đây có thể là những ngành có tiềm năng việc làm lớn, giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế hoặc là những doanh nghiệp thiết yếu. Giải pháp này nhằm đảm bảo các thử nghiệm mở rộng trở nên hiệu quả. Các ngành công nghiệp có thể là ứng cử viên lý tưởng để bắt đầu lại như: sản xuất thực phẩm, bệnh viện, ngân hàng, bán lẻ…Ngoài ra, cần phải hiệu chỉnh lại các chính sách, cơ chế cách ly xã hội (hoặc sửa đổi lệnh phong tỏa); đồng thời xác định các “điểm nóng” theo các tiêu chuẩn rõ ràng (ví dụ: tỷ lệ mắc bệnh cao liên quan đến dân số…)
* Xây dựng phong cách giao tiếp mới tốt hơn: Tạo điều kiện cho phép công nhân, doanh nghiệp và mọi người chủ động lên kế hoạch cho sinh hoạt và làm việc của họ. Đặc biệt là việc xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động dựa trên các nền tảng phát triển công nghệ và các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế.
Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đặt chính phủ các nước trước một thách thức lớn: phải đưa ra quyết định và giải pháp kịp thời, đúng đắn nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển quốc gia trong thời kỳ hậu dịch. Việc các quốc gia buộc phải trải qua giai đoạn từ phong tỏa đến kế sinh nhai cũng đặt con người trước thách thức vừa phải sinh tồn vừa phải phát triển. Một kế hoạch tổng thể, hài hoà; những bước đi thích hợp, đúng đắn cùng với các quyết định hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ của chính phủ cho người dân và doanh nghiệp sẽ là “bệ phóng” thúc đẩy hơn nữa các động lực phát triển bền vững của mọi quốc gia.
Thái Công