Jollibee Foods và 4 “đứa con cưng” giờ ra sao?
Năm 2021, Highlands Coffee lần đầu báo lỗ hơn 19 tỷ đồng, doanh thu cũng sụt giảm gần 20%, chỉ còn hơn 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu xét về quy mô doanh thu, Highlands Coffee vẫn là chuỗi đứng đầu thị trường và là đơn vị có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất trong hệ sinh thái của Jollibee Foods Corporation tại Việt Nam (JFC).
Là một trong những chuỗi bán lẻ cà phê xuất hiện đầu tiên trên thị trường, Highlands Coffee cũng đồng thời là cái tên dẫn đầu về độ phủ giữa làn sóng kinh doanh chuỗi cà phê ngày càng bùng nổ ở Việt Nam với hệ thống hơn 520 cửa hàng tính đến giữa tháng 8/2022.
Highlands Coffee được doanh nhân David Thai sáng lập năm 1999 và sau đó thành lập Công ty CP Việt Thái Quốc tế (VTI) – đơn vị chủ quản Highlands Coffee để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của chuỗi. Đến năm 2012, David Thai bán 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam của VTI (tương đương 25 triệu USD) cho một doanh nghiệp đến từ Philippines là JFC.
Trong danh sách các thị trường chiến lược của JFC, Việt Nam luôn đứng trong top đầu và trong 15 năm gắn bó, thị trường gần 100 triệu dân luôn có doanh số phát triển cao nhất ở quốc tế của doanh nghiệp này. Ngoài Highlands Coffee, JFC còn “bắt tay” với VTI thâu tóm các thương hiệu lớn như Phở 24, Coffee Bean & Tea Leaf vào năm 2019. Jollibee Foods hoàn thiện hệ sinh thái bán lẻ thực phẩm và đồ uống (F&B) của mình tại Việt Nam với 4 thương hiệu, bao gồm chuỗi Jollibee Việt Nam sẵn có
Cụ thể với chuỗi Jollibee Việt Nam, mặc dù xuất hiện từ cuối thập niên 90 nhưng đến tháng 06/2005 Tập đoàn Jollibee mới chính thức đầu tư thành lập Công ty TNHH Jollibee Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới trong việc quản lý và mở rộng hệ thống cửa hàng Jollibee tại Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vị thế của chuỗi thức ăn nhanh này vẫn chưa thể dẫn đầu thị trường. So với mục tiêu mở 300 cửa hàng vào năm 2020 thì hiện Jollibee chỉ mới kịp khai trương điểm bán thứ 150 hồi cuối tháng 3/2022 – thấp hơn KFC và chỉ bằng khoảng 3/4 số lượng điểm bán của Loterria. Tương tự doanh thu của Jollibee Việt Nam dù đã cải thiện đáng kể, biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 40-50% song chuỗi này vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn. Trong nhiều năm qua, Jollibee Việt Nam thường xuyên lỗ hàng chục tỷ đồng.
Đối với thương hiệu Phở 24 mà JFC sở hữu, từ chuỗi phở lớn nhất cả nước, đặt mục tiêu mở 1.000 điểm bán thì sau gần 20 năm hiện diện tại thị trường Việt Nam, Phở 24 đã co hẹp về 22 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở Tp.HCM.
Giai đoạn 2018-2019, mỗi năm Phở 24 bán được 5 triệu tô phở và năm 2019 chuỗi phở này ghi nhận doanh thu đạt đỉnh 119,5 tỷ đồng. Tuy vậy Phở 24 vẫn đồng cảnh ngộ với Jollibee Việt Nam khi đang lỗ sau thuế hàng chục tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu giảm 7% nhưng Phở 24 lỗ thêm gần 60% so với năm 2020.
Như vậy có thể thấy Highlands Coffee vẫn là thương hiệu gặt hái nhiều thành công nhất trong số 4 chuỗi F&B mà JFC đang vận hành ở Việt Nam; thể hiện qua doanh thu tăng liên tục, lần đầu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng năm 2017 và đến năm 2019 vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. So với các chuỗi đồ uống khác trên thị trường, biên lãi gộp của Highlands luôn ở nhóm cao nhất, duy trì khoảng 70% trong 3 năm gần đây.
Về lãi ròng, trong hai năm 2017 – 2018 chuỗi cà phê Highlands duy trì lãi ròng quanh mốc gần 100 tỷ đồng và trong hai năm 2019 – 2020 giảm xuống còn 55-80 tỷ đồng dù doanh thu lập kỷ lục. Đặc biệt năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, doanh thu của Highlands đã giảm gần 20% và chuỗi cà phê cũng lần đầu báo lỗ kể từ năm 2014.
Trong quý II/2022, các chuỗi thức uống trở thành động lực tăng trưởng doanh thu của Jollibee Foods; trong đó riêng chuỗi Highlands Coffee đã mở thêm 25 cửa hàng mới, đạt con số 525 tại Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên trước áp lực giá vốn tăng do giá nguyên vật liệu và giá cước vận chuyển tăng cao, mới đây Highlands Coffee đã phải tăng giá bán một số thức uống; ngoài ra chuỗi này cũng vướng nhiều lùm xùm nợ tiền thuê mặt bằng tại Hà Nội và Tp.HCM.
Trái ngược với độ bao phủ rộng khắp của Highlands Coffee thì chuỗi Coffee Bean & Tea Leaf chỉ duy trì vỏn vẹn 6 cửa hàng sau 14 năm có mặt tại Việt Nam. Chọn phân khúc cao cấp với giá bán gấp 1,5-2 lần Highlands Coffee, lượng khách hàng đến với Coffee Bean & Tea Leaf khá ít ỏi, do đó kết quả kinh doanh cũng rất khiêm tốn khi chuỗi này liên tục báo lỗ hàng chục tỷ đồng suốt nhiều năm qua. Giai đoạn 2017-2021, doanh thu Coffee Bean & Tea Leaf Việt Nam giảm liên tiếp, bốc hơi hơn 5,75 lần. Biên lợi nhuận gộp từ mức “nhỏ giọt” khoảng 2,86% trong năm 2017 hạ dần về mức -8,43%.
Với số lượng cửa hàng ít ỏi, thị trường Việt Nam giữ vai trò không quá quan trọng với Coffee Bean & Tea Leaf. Báo cáo thường niên của Jollibee Foods cũng chưa từng đề cập đến tình hình hoạt động và đóng góp của thị trường Việt Nam trong kết quả kinh doanh của chuỗi cà phê này.
JFC được thành lập bởi tỷ phú Tony Tan Caktiong – người giàu thứ 7 tại Philippines. Với việc liên tục thâu tóm hàng loạt chuỗi đồ ăn và thức uống lớn, đến nay JFC đã vươn lên trở thành đế chế hùng mạnh với hơn 3.200 quán ăn ở Philippines và hơn 2.600 cửa hàng ở nước ngoài. Forbes đánh giá JFC là một trong những chuỗi nhà hàng châu Á phát triển nhanh nhất thế giới với doanh thu và lợi nhuận tăng 15%/năm. Sau 2 năm chựng lại vì dịch bệnh Covid – 19, tất cả các thương hiệu trực thuộc JFC đều đạt mức tăng trưởng hai con số. Đặc biệt trong quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của JFC đạt khoảng 2,7 tỷ peso (hơn 49 triệu USD), hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tương tự doanh số bán hàng trên toàn hệ thống cũng đã tăng 45% lên mức cao kỷ lục 73,1 tỷ peso. Những con số ấn tượng này cũng phần nào cho thấy hoạt động của JFC đã trở lại mức trước đại dịch. |
Huyền Anh