IMF “tiêm mũi vaccine lớn” cho thế giới trị giá 650 tỷ USD

Hội đồng Thống đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá lên đến 650 tỷ USD nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng nợ gia tăng và sụt giảm kinh tế vì đại dịch Covid-19. Đây được xem là gói hỗ trợ tài chính lớn nhất lịch sử của IMF, sau gói cứu trợ trị giá 250 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009

Theo bà Kristalina Georgieva – Giám đốc điều hành IMF, đây là một quyết định mang tính lịch sử, đồng thời cũng là đợt phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) lớn nhất trong lịch sử của IMF. Với việc được tung ra một cách kịp thời và cần thiết, gói hỗ trợ tài chính được ví như “mũi vaccine lớn nhất” IMF dành cho thế giới nhằm trợ lực cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang quằn quại trong cơn khủng hoảng đại dịch và khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Cũng theo người đứng đầu IMF, quyết định phân bổ SDR sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên IMF, hướng đến mục tiêu giải quyết nhu cầu dự trữ dài hạn trên thế giới, xây dựng lòng tin và tăng cường ổn định kinh tế toàn cầu.

Như đã biết, IMF sử dụng SDR làm cơ sở cho các khoản vay khẩn cấp của thể chế tài chính này; trong đó gói hỗ trợ tài chính trị giá 650 tỷ USD được Ban điều hành IMF phê duyệt vào giữa tháng 7/2021 và sẽ được triển khai vào ngày 23/8 tới. Các SDR mới được ban hành sẽ được phân bổ cho các nước thành viên tương ứng với hạn ngạch IMF của họ. Trong đó khoảng 275 tỷ USD sẽ được dành cho các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển, các nước thuộc diện thu nhập thấp. Theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam có thể nhận được khoảng 1,56 tỷ USD, tương tự Philippines khoảng 2,795 tỷ USD, Thái Lan khoảng 4,42 tỷ USD, Malaysia khoảng 4,94 tỷ USD, Indonesia khoảng 6,37 tỷ USD…

Một điểm đáng lưu ý là các quốc gia thành viên có tiềm lực tài chính mạnh có thể tự nguyện chuyển một phần SDR của mình để tăng nguồn cung các khoản vay dành cho các nước thành viên nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn thông qua Quỹ Tín thác, Tăng trưởng và Giảm nghèo (PRGT) của IMF. Cơ chế linh hoạt này sẽ giúp các nền kinh tế có thu nhập thấp sớm phục hồi và đạt mức tăng trưởng bền vững.

Ngoài Quỹ PRGT, IMF cũng đang nghiên cứu nhiều giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho các nước nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Vân Nam