IMF hỗ trợ Bộ Tài chính Vệt Nam tăng cường mối quan hệ với nhà đầu tư
Việc tiếp cận thị trường vốn hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế đòi hỏi phải trang bị các kỹ năng, kiến thức phù hợp, đảm bảo huy động được nguồn vốn với chi phí và rủi ro hợp lý trong khuôn khổ các kế hoạch, chỉ tiêu an toàn được phê duyệt.

Hội thảo trực tuyến giữa Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính với IMF.
Trong ngày 7 và 8/12/2020, tại Hà Nội, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp Vụ Các thị trường vốn và thị trường tiền tệ (Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Tăng cường mối quan hệ với nhà đầu tư”.
Khai mạc hội thảo, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, vai trò, vị thế của Việt Nam ở cửa ngõ của giai đoạn 2021 – 2025 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam “tốt nghiệp” ODA, gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình là dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều khả năng mới để quản lý nợ chủ động, hiệu quả.
Để bù vào phần vốn ODA đang thu hẹp dần, Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường vốn thương mại rộng lớn, cho phép chủ động, linh hoạt hơn về huy động và sử dụng vốn, chi phí vay dự kiến cũng sẽ phù hợp hơn khi Việt Nam vươn lên về phát triển kinh tế.
Cùng với đó, việc tiếp cận với thị trường vốn hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế đòi hỏi chúng ta phải trang bị cho mình các kỹ năng, kiến thức phù hợp, đảm bảo huy động được nguồn vốn với chi phí và rủi ro hợp lý trong khuôn khổ các kế hoạch, chỉ tiêu an toàn được phê duyệt.
Theo ông Trương Hùng Long, việc tăng cường tiếp xúc và duy trì mối liên hệ với nhà đầu tư là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo chuyển tải kịp thời, chuẩn xác các thông tin vĩ mô, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và quyết sách của Chính phủ đến với cộng đồng nhà đầu tư.
Cũng theo ông Trương Hùng Long, hội thảo do Bộ Tài chính phối hợp với Quỹ IMF tổ chức nằm trong khuôn khổ Khung tổng thể cải cách công tác quản lý nợ của Bộ Tài chính, trong đó Khuôn khổ báo cáo và quan hệ với nhà đầu tư là 1 trong 5 trụ cột chính.
Mục tiêu của chuỗi hoạt động hỗ trợ kỹ thuật với IMF đang hướng đến là các cơ quan sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ nắm vững về nghiệp vụ và thông lệ của thị trường vốn quốc tế, chủ động trong việc tiếp cận thị trường và có thể tiến hành các giao dịch ngay vào các thời điểm thuận lợi nhất. Đồng thời, bên cạnh nhiệm vụ huy động vốn quốc tế, công tác liên hệ, tiếp xúc, cung cấp thông tin với nhà đầu tư, với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín quốc gia tới bạn bè quốc tế.
Hội thảo hướng đến các cán bộ từ các cơ quan Chính phủ có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo, công khai các chỉ tiêu kinh tế xã hội, chỉ tiêu giám sát vĩ mô với mong muốn khởi đầu một chương trình hỗ trợ kỹ thuật về phương pháp tiếp cận, duy trì quan hệ với các nhà đầu tư, nắm bắt hiện trạng công tác quan hệ với nhà đầu tư ở các cơ quan hiện nay, từ đó xác định những lĩnh vực cần có sự hỗ trợ cụ thể về thể chế, chính sách, tăng cường năng lực, ban hành và chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ…
Phát biểu tại điểm cầu Hoa Kỳ, ông Samer Y.Saab, Chuyên gia khu vực tài chính, Vụ Các thị trường vốn và thị trường tiền tệ (IMF) khẳng định, việc tổ chức hội thảo tăng cường mối quan hệ với nhà đầu tư hết sức quan trọng và kịp thời trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi xem đây là phần hỗ trợ trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam có thể đổi mới khuôn khổ quản lý nợ công. Trong khuôn khổ cải cách quản lý nợ công của Việt Nam, rất nhiều nội dung: từ xây dựng chiến lược quản lý nợ công, theo dõi, báo cáo về tình hình quản lý nợ công, quản lý rủi ro tài khóa, mối quan hệ với nhà đầu tư…, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trong việc trang bị kỹ năng, kiến thức phù hợp để tiếp xúc và duy trì mối liên hệ với các nhà đầu tư”, ông Samer Y.Saab cho biết.
Trong hai ngày, ông Bill Northman, Chuyên gia IMF và tư vấn quản lý nợ, cùng các chuyên gia của IMF trình bày và giải đáp các ý kiến tập trung vào 2 nội dung chính: Thứ nhất là mục tiêu và nguyên tắc của quan hệ nhà đầu tư (bao gồm, minh bạch các thông tin dữ liệu và quyết định; khả năng tiếp cận với chính phủ để làm rõ thêm các thông tin công khai; khả năng dự đoán được: mức độ công khai thông tin và hành vi nhất quán của chính phủ và tính chính xác của thông tin dữ liệu với sự hỗ trợ của quy trình và thủ tục để đảm bảo chất lượng). Hai là, các hình thức của quan hệ nhà đầu tư, bao gồm: Trang web quản lý nợ; bài thuyết trình với nhà đầu tư; tham vấn thị trường; quảng bá và điện đàm; hội thảo và hội nghị; thiết lập thể chế để thực hiện chức năng quan hệ nhà đầu tư.
Thùy Linh