IMF đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu mới với cục diện không mấy sáng sủa

Sau khi đưa ra dự đoán về khả năng hồi phục của nền kinh tế thế giới sau cú sốc Covid-19, trong tuần này Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ tiếp tục đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu mới với cục diện không mấy sáng sủa so với dự báo trước đó, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Một dự báo ảm đạm có thể phản ánh đánh giá của IMF về mức độ thiệt hại nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch. Đơn cử trong tháng 4, tăng trưởng của nền kinh tế Anh đã giảm 1/5. Nếu tìm kiếm những tín hiệu tích cực từ dự báo của IMF thì đó chính là sự cải thiện của chỉ số quản lý mua hàng từ Nhật Bản đến châu Âu và đến Mỹ.

Tháng 6 là thời điểm hàng loạt nước châu Âu mở lại biên giới nội khối sau nhiều tháng đóng cửa để ngăn dịch Covid-19; đồng thời tập trung khôi phục và phát triển kinh tế. Một loạt các chỉ số hoạt động sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách cái nhìn cận cảnh về cách các nền kinh tế đối phó với khủng hoảng.

Kịch bản cơ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra dự báo mức suy thoái kinh tế – 8,7% trong năm 2020. ECB cũng sẽ công bố các dữ liệu của cuộc họp trong tháng 6 này, theo đó các nhà hoạch định chính sách quyết định mở rộng chương trình mua trái phiếu đại dịch.

Ở phạm vi quốc gia, các nhà hoạch định chính sách Hungary và Séc dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất; trong khi Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến vào 25/6 sẽ giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm, xuống 8% sau khi cắt giảm 1.575 điểm cơ bản trong 9 cuộc họp trước đó.

Ông Tito Mboweni – Bộ trưởng Tài chính Nam Phi cho biết sẽ lập ngân sách điều chỉnh vào 24/6 để chuyển 130 tỷ ZAR (tương đương 7,5 tỷ USD) sang gói kích cầu, trong khi đó Ngân hàng Trung ương Kenya cho biết nhiều khả năng có thể giảm bớt lãi suất.

Tại Mỹ, vào ngày 25/6 Chính phủ sẽ đưa ra ước tính thứ ba về GDP quý I/2020, kèm với báo cáo tình hình thất nghiệp trên cả nước. Về phía Ngân hàng Trung ương New Zealand đã có thông báo về các biện pháp kích cầu kinh tế sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế nước này đang trong thời kỳ suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2010.

Cũng như Kenya, nhiều khả năng Philippines cũng sẽ cắt giảm lãi suất. Tại Hàn Quốc, dữ liệu thương mại trong 20 ngày đầu tháng 6 sẽ được đem ra phân tích kỹ lưỡng để đưa ra các dự báo chính xác về tình hình thương mại trong thời gian tới

Cùng với châu Âu và châu Á, các nền kinh tế lớn tại khu vực Mỹ Latinh cũng đang gây sự chú ý. Cụ thể tại Brazil, theo biên bản cuộc họp ngân hàng trung ương tuần trước – các nhà hoạch định chính sách đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 2,25%. Còn tại Argentina, báo cáo tổng sản phẩm quốc nội quý I/2020 trở thành khởi đầu cho một trong những cuộc suy thoái sâu nhất của khu vực trong năm 2020 này.

Hùng Điệp