Hyundai rút lại tuyên bố về kế hoạch hợp tác kinh doanh với Apple
Trong một tuyên bố ngắn vào tuần trước, Hyundai đã xác nhận rằng họ đang đàm phán sớm với Apple về chế tạo ô tô. Gần như ngay lập tức, gã khổng lồ ô tô Hàn Quốc bắt đầu rút lại động thái trên, đưa ra một tuyên bố sau đó loại bỏ tất cả nội dung đề cập đến Apple.
Sự thay đổi của Hyundai gần như chắc chắn là hậu quả mới nhất từ việc Apple luôn khăng khăng buộc các nhà cung cấp hoặc đối tác tiềm năng của họ phải giữ bí mật. Các công ty giao dịch với Apple phải tuân thủ các thỏa thuận không tiết lộ thông tin nghiêm ngặt, ngay cả khi họ là công ty đại chúng và Apple là khách hàng lớn.
Mặc dù các thỏa thuận không tiết lộ là phổ biến trong lĩnh vực công nghệ cao, nhưng những người làm việc với Apple cho biết hãng này coi trọng thông tin bí mật hơn các đối thủ cạnh tranh. Theo một số nguồn giấu tên, Apple nói với các đối tác rằng họ không được đề cập đến Apple trước công chúng hoặc với các phương tiện truyền thông. Một người đã từng làm việc với Apple đã mô tả các yêu cầu giữ bí mật của Apple là bao gồm rất nhiều quy định.
Trong ít nhất một trường hợp, Apple đã đe dọa phạt các nhà cung cấp 50 triệu USD cho mỗi vụ rò rỉ riêng, theo một hợp đồng được công khai như một phần của thủ tục phá sản của nhà cung cấp GT Advanced Technologies.
Một số công ty có thể tham gia vào các cuộc thảo luận hạn chế về công việc kinh doanh của họ với Apple, đặc biệt nếu Apple đã công khai nói về mối quan hệ và chấp thuận. Một ví dụ là Corning, công ty cung cấp kính cho iPhone. Apple đã trả cho công ty ít nhất 450 triệu USD kể từ năm 2017 và đã nhắc đến công ty này trong thông cáo báo chí của chính mình như một ví dụ về một công ty sản xuất của Mỹ mà họ hỗ trợ. Nhưng vào đầu năm nay, CEO của hãng cho biết ông không thoải mái khi nói về mối quan hệ này cho đến khi sản phẩm của Corning được đề cập trong buổi phát trực tiếp ra mắt iPhone 12 gần đây. Nỗi ám ảnh về bí mật của Apple là một trong những khía cạnh chính của họ.
Sự bí mật của Apple có thể gắn liền với người sáng lập của nó, Steve Jobs, người đã luôn khăng khăng về điều đó. Jobs là một nhà tiếp thị bậc thầy, người đã tiến hành các buổi ra mắt sản phẩm như một sự kiện ngoạn mục với những điều bất ngờ.
Ngày nay, Apple vẫn dựa vào “sự ngạc nhiên và vui mừng” trong các buổi ra mắt sản phẩm, vốn vẫn là chiến lược tiếp thị quan trọng. Apple đã tổ chức ba buổi phát trực tiếp ra mắt riêng biệt vào mùa thu này để phát hành Đồng hồ Apple watch, iPhone và máy tính xách tay Mac mới. Cả ba bài thuyết trình đã thu hút hàng triệu người xem, những người đã theo dõi YouTube để nghe trực tiếp từ các giám đốc điều hành của Apple về các sản phẩm mới của họ. Hiện Apple từ chối bình luận về câu chuyện này.
Duy Khiêm