Hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA – Động lực để doanh nghiệp đổi mới, đáp ứng các quy tắc xuất xứ hàng hóa

Mặc dù quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) rất phức tạp song đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các quy tắc này lại khá cởi mở và linh hoạt; chính vì vậy các DN xuất khẩu Việt Nam đang nỗ lực tận dụng lợi thế này để được hưởng ưu đãi thuế quan

Ngày 15/6/2020 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Theo Thông tư 11, quy định về các loại hàng hóa được coi là có xuất xứ trong EVFTA gồm: hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên (hàng hóa có nguyên liệu và được sản xuất tại các nước thành viên tham gia hiệp định); hàng hóa có xuất xứ không thuần túy (chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng các tiêu chí về chuyển đổi cơ bản, hạn mức nguyên liệu, công đoạn gia công, chế biến. Ngoài ra, Thông tư 11 còn quy định ngoại lệ về hàng hóa có xuất xứ được xác định theo nguyên tắc cộng gộp.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), so với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, các quy tắc xuất xứ trong EVFTA không hoàn toàn mới nhưng lại khá phức tạp bởi được xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đáng lưu ý, EVFTA cho phép một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và được cộng gộp xuất xứ. Đơn cử như nhóm hàng dệt may, được phép cộng gộp nguyên liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản (do 2 quốc gia này có hiệp định thương mại tự do với EU); nhóm hàng thủy sản, được phép cộng gộp, sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.

Có thể thấy đối với các tiêu chí nguyên phụ liệu và gia tăng xuất khẩu sang EU, quy tắc xuất xứ cộng gộp đã giúp giảm bớt một phần áp lực cho doanh nghiệp Việt. Bộ Công Thương cho biết kể từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đã được cải thiện đáng kể. Tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.  Giá trị hàng hóa được cấp C/O cũng như được chứng nhận xuất xứ vào EU không nhỏ, cho thấy DN trong nước đã và đang bắt nhịp áp dụng quy tắc xuất xứ trong EVFTA.

Theo các chuyên gia, việc đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ trong EVFTA thật sự là một thách thức không nhỏ đối với các DN, ngay cả với DN nhóm ngành dệt may và thủy sản. Hiện nay 60% nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu đều được nhập khẩu từ Trung Quốc và không được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó nhóm hàng thủy sản lại bị ràng buộc bởi các yêu cầu về môi trường liên quan tới hoạt động đánh bắt hải sản theo các cam kết trong Hiệp định. Chính vì vậy việc đảm bảo tuân thủ các quy tắc này sẽ khiến doanh nghiệp tốn kém thêm chi phí sản xuất, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Tuy nhiên ở khía cạnh tích cực hơn, việc bắt buộc phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ hàng hóa sẽ là động lực để các DN Việt cải thiện năng lực sản xuất, đẩy mạnh chế biến sâu gắn với liên kết xây dựng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định.

Về phía Bộ Công Thương, nhằm đồng hành hỗ trợ DN thực thi các cam kết của Hiệp định EVFTA, thời gian qua cơ quan này đã xây dựng các văn bản hướng dẫn cũng như phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng (dệt may, da giày…) xây dựng chiến lược phát triển trên mọi phương diện, từ nguồn nguyên phụ liệu cho đến khâu thiết kế, thành phẩm, xúc tiến thương mại…; tăng cường quản lý nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ DN Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU. Đồng thời thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của DN để đảm bảo việc thực hiện quy tắc xuất xứ, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ.

Trung Anh