Hướng đến một hệ sinh thái hậu cần thương mại điện tử bền vững và toàn diện

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics cũng nhanh chóng bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên sự tăng trưởng “nóng” của logistics thương mại điện tử cũng đồng thời dấy lên nhiều quan ngại về tính bền vững của hệ sinh thái này.

Hệ thống phân loại tự động được vận hành gần như hoàn toàn bằng robot của Lazada Logistics. Ảnh: Lazada Việt Nam

Cơ hội nhiều, thách thức không nhỏ

Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Đông Nam Á đang có ít nhất 102 nhà cung cấp dịch vụ logistics, bao gồm cả những “ông lớn” với nền tảng vững chắc cho đến những doanh nghiệp mới nổi. Theo các chuyên gia, 2020-2021 được đánh giá là giai đoạn phát triển bùng nổ nhất của hệ sinh thái logistics thương mại điện tử thế giới. Sự nổi trội của lĩnh vực này thể hiện ở chính việc đưa những công nghệ hiện đại như big data hay trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình vận hành, qua đó vừa cắt giảm chi phí vừa giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả hoạt động gấp nhiều lần so với quy trình truyền thống. Chính sự phát triển này của doanh nghiệp logistics đã góp phần giảm bớt sự quá tải nhu cầu thương mại điện tử trong hai năm trở lại đây.

Tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái logistics thương mại điện tử cũng đồng thời đặt ra câu hỏi về tính bền vững của hệ sinh thái này. Dĩ nhiên nhiều doanh nghiệp logistics ra đời sẽ giúp đáp ứng tốt nhu cầu thị trường song bất cập ở đây là một số đơn vị chỉ tập trung cho một, hoặc một số thị trường, đối tượng khách hàng nhất định. Số doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực là rất ít ỏi.

Yêu cầu đặt ra đối với các công ty logistics lúc này là làm sao mở rộng quy mô đúng cách, đáp ứng đúng nhu cầu các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Ông Andy Huang – Giám đốc Logistics Tập đoàn Lazada khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần xây dựng một hướng tăng trưởng bền vững bằng cách ứng dụng thực tiễn vào quy trình vận hành. Đầu tiên, mỗi doanh nghiệp hãy xem các đơn hàng như những hành khách trên các tuyến xe buýt thuộc sở hữu của các công ty khác nhau. Việc thực hiện đơn hàng tương tự như cách hành khách đi từ điểm A đến điểm B thông qua một nhà điều hành.Tuy nhiên nếu mỗi tuyến lại do một nhà điều hành xe bus khác nhau đảm nhiệm sẽ khiến lộ trình lẫn thời gian di chuyển bị kéo dài. Để khắc phục bất cập này, các doanh nghiệp nên thành lập một “trạm trung chuyển xe bus” – điểm tập kết hàng hóa từ nhiều nơi khác nhau. Với sự ra đời của trạm trung chuyển xe buýt, hành khách có thể lên bất kỳ tuyến xe nào và chuyển sang tuyến khác có thể đưa họ đến điểm cuối nhanh hơn.

Tương tự việc tích hợp chuỗi cung ứng và logistics thông minh cho phép tăng trải nghiệm thương mại điện tử tới khách hàng. Quan trọng nhất, việc áp dụng mô hình này vào logistics thương mại điện tử sẽ mang lại tiềm năng vượt trội, giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức hiện nay. “Tầm quan trọng của các thành viên trong hệ sinh thái không chỉ đến từ góc độ công nghệ mà còn nằm ở khả năng hiệu chỉnh lại mô hình hoạt động và kinh doanh của họ, hướng đến tăng trưởng bền vững dài hạn” – ông Andy Huang nhấn mạnh.

Gỡ “nút thắt”

Do hiện nay logistics thương mại điện tử vẫn bị tách biệt với những khía cạnh khác trên thị trường nên việc thiết lập mạng lưới và cơ sở logistics chặng cuối cần nguồn vốn đầu tư đáng kể để duy trì và vận hành. Tuy nhiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không đủ khả năng đáp ứng khoản chi phí khủng này.

 Để gỡ “nút thắt” trên, ông Andy Huang khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ có thể hợp tác với công ty cung cấp dịch vụ logistics đa kênh. Hai bên có thể cùng xây dựng một kho hàng, phục vụ riêng cho các nhà cung cấp và thương hiệu trên thương mại điện tử. Hình thức này có thể giúp mang lại lợi ích thiết thực cho cả người bán hàng, doanh nghiệp logistics nhỏ lẫn các nền tảng thương mại điện tử. Thông qua đó, các nền tảng thương mại điện tử có thể khuyến khích nhà bán hàng cung cấp dịch vụ nhanh chóng hơn cho người dùng, kéo theo thời gian giao hàng rút ngắn hơn và trải nghiệm khách hàng cũng tốt hơn, từ đó tăng tỷ lệ tái mua hàng và kéo thêm khách hàng mới.

Ngành công nghiệp logistics thương mại điện tử đã trải qua một chặng đường dài với nhiều cột mốc đáng nhớ. Từ việc quản lý đơn đặt hàng bằng Excel đến một nền tảng quản lý dữ liệu tập trung, ngành công nghiệp này đã có những bước tiến vượt bậc nhằm đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của người bán, thương hiệu lẫn khách hàng tiêu dùng. Khi cả thương mại điện tử lẫn logistics ngày càng bộc lộ mạnh mẽ tiềm năng phát triển tại thị trường Đông Nam Á, các doanh nghiệp lĩnh vực này buộc phải không ngừng cải tiến quy trình, hệ thống vận hành để thích nghi và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Giám đốc Logistics Tập đoàn Lazada khẳng định: “Nếu muốn tạo ra một hệ sinh thái hậu cần thương mại điện tử bền vững và toàn diện,việc tích hợp các hoạt động logistics cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng. Mỗi doanh nghiệp cần xem việc lập kế hoạch nguồn lực và nhân lực như một thực thể duy nhất. Chỉ cần đạt được điều đó, doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử sẽ cắt giảm được đáng kể chi phí kinh doanh, qua đó giúp các thương hiệu và nhà bán hàng thêm khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu”

Quốc Huy