Huawei rút lại đơn xin cấp bằng sáng chế nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ
Công ty công nghệ Trung Quốc Huawei đang rút lại đơn đăng ký bằng sáng chế mà họ đã nộp về một hệ thống nhận dạng khuôn mặt nhằm xác định người Duy Ngô Nhĩ so với dân tộc khác của Trung Quốc.
Đơn xin cấp bằng sáng chế, được nộp hồi tháng 7/2018, cho biết “việc xác định các thuộc tính của người đi bộ là rất quan trọng”. Đơn xin cấp bằng sáng chế có đoạn: “Các thuộc tính của đối tượng mục tiêu có thể là giới tính (nam, nữ), tuổi (như thanh thiếu niên, trung niên, già) [hoặc] chủng tộc (Hán, Duy Ngô Nhĩ)”.
Thông tin này được tiết lộ trong một báo cáo mới từ BBC và IPVM, một nhóm độc lập chuyên theo dõi về công nghệ giám sát video. Người phát ngôn của Huawei cho biết trong một tuyên bố với CNN Business rằng công ty sẽ “sửa đổi” bằng sáng chế của mình, đồng thời nói thêm rằng tính năng nhận dạng sắc tộc sẽ “không bao giờ trở thành một phần của ứng dụng này”.
Việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong trị an và an ninh nội địa đang phổ biến khắp Trung Quốc, nhưng đặc biệt là ở khu vực phía tây Tân Cương, nơi có tới 2 triệu người từ Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác bị cho là đã bị đưa vào các trại cải tạo, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bắc Kinh khẳng định rằng các trại này là trung tâm đào tạo nghề giúp cải tạo công dân. Tuy nhiên, những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đã mô tả cuộc đàn áp là “cuộc diệt chủng văn hóa”, với những người bị giam giữ trước đây nói rằng họ bị “nhồi sọ tư tưởng” và lạm dụng.
Giám đốc chính trị của IPVM Conor Healy nói rằng Huawei cần giải thích lý do tại sao tính năng này lại là một phần của đơn xin cấp bằng sáng chế ngay từ đầu.
Theo IPVM, Huawei không phải là công ty duy nhất đã nộp loại bằng sáng chế này. Theo IPVM, công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc Megvii đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế vào tháng 6 năm 2019 cho một hệ thống đề cập đến “phân loại dân tộc” bao gồm “Hán, Duy Ngô Nhĩ, không phải người Hán, không phải người Duy Ngô Nhĩ và không xác định sắc tộc”. Trong một tuyên bố với CNN Business, Megvii nói rằng họ sẽ “rút lại” đơn đăng ký bằng sáng chế năm 2019, mà họ cho là “rất dễ bị hiểu lầm”. Tuyên bố có đoạn: “Megvii đã không phát triển và sẽ không phát triển hoặc bán các giải pháp phân biệt chủng tộc hoặc dân tộc”.
IPVM cũng nhận thấy một công ty khởi nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc, Sensetime, được đề cập trong một đơn xin cấp bằng sáng chế vào tháng 7 năm 2019 rằng nó có thể xác định mọi người theo dân tộc, cụ thể là khả năng chọn ra “người Duy Ngô Nhĩ”. Sensetime nói với CNN Business rằng việc tham chiếu đến Uyghurs là “đáng tiếc”, đồng thời nói thêm rằng đó là “một trong những ví dụ trong ứng dụng nhằm minh họa các thuộc tính mà thuật toán nhận ra. Nó không được thiết kế và không nhằm mục đích phân biệt đối xử, đi ngược lại các giá trị của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cập nhật bằng sáng chế khi có cơ hội tiếp theo”.
Trong phân tích được viết cho báo cáo mới nhất của mình, IPVM nói rằng việc đưa tính năng theo dõi người Duy Ngô Nhĩ vào đơn xin cấp bằng sáng chế của các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc cho thấy “công nghệ phân biệt chủng tộc này phổ biến như thế nào” ở nước này. IPVM cho biết: “Đây là một ví dụ rõ ràng về việc lạm dụng nhân quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với người Duy Ngô Nhĩ, và cũng là nguy cơ lâu dài đối với danh tiếng của ngành giám sát video”.
Kim Phương