Huawei gặp ác mộng tại Châu Âu sau lệnh cấm ở Anh
Huawei đối mặt với nguy cơ bị hàng loạt quốc gia châu Âu khác quay lưng sau khi chính phủ Anh ban hành lệnh cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc này. Theo kế hoạch mới nhất của Anh, các công ty khai thác mạng di động tại nước này sẽ không thể mua thiết bị mới của Huawei từ cuối năm 2020. Trong khi đó, tất cả thiết bị hiện có do Huawei cung cấp sẽ bị xóa khỏi mạng 5G vào năm 2027.
Động thái mới nhất đi ngược lại với quyết định do chính phủ Anh đưa ra hồi đầu năm. Cuối tháng 1/2020, bất chấp những áp lực từ phía Mỹ, London tuyên bố cho phép Huawei tham gia vào các dự án phát triển 5G nhưng giới hạn ở mức 35% và không được tham gia các phần cốt lõi.
Đại diện của Huawei khẳng định động thái của chính phủ Anh là “tin xấu đối với bất kỳ ai sử dụng điện thoại di động ở Anh” và khiến cho quốc gia này “chậm phát triển kỹ thuật số, gia tăng hóa đơn giấy”. Đồng thời, Huawei cũng bày tỏ sự thất vọng đối với lệnh cấm và kêu gọi các bộ trưởng xem xét lại.
Jeremy Thompson, Phó chủ tịch điều hành Huawei tại Anh cho biết doanh thu từ nước này chiếm chưa đến 1% doanh thu toàn cầu của Huawei. Tuy nhiên, điều khiến Huawei lo lắng là động thái của Anh có thể kéo theo hàng loạt các quốc gia châu Âu còn lại “cấm cửa” tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
“Quyết định của Anh có xu hướng gây ra tác động rộng hơn là chỉ trong lãnh thổ quốc gia này”, ông Jeremy nhấn mạnh.
Lệnh cấm Huawei của Anh sẽ gây áp lực lên chính phủ các nước khác tại châu Âu, đặc biệt là Đức, vốn đang chuẩn bị ban hành luật an ninh về công nghệ. Nhà mạng Deutsche Telekom lớn bậc nhất nước Đức hiện sử dụng tới 90% thiết bị mạng từ Huawei, các nhà mạng khác cũng phụ thuộc phần lớn vào nguồn linh kiện từ gã khổng lồ Trung Quốc.
Nội bộ Chính phủ Đức hiện có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề nên hay không nên cấm cửa Huawei. Các nghị sĩ nước này đang gây sức ép buộc chính quyền Thủ tướng Angela Merkel đưa ra quyết định tương tự như Anh.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump cũng nỗ lực thúc đẩy Đức cấm Huawei. Ngày 13/7, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã đến Paris tham gia chương trình nghị sự cấp cao với các quan chức từ Pháp, Anh, Đức và Italy.
Theo nhận định của bà Federica Russo, nhà nghiên cứu tại Hãng tư vấn Wikistrat, mặc dù chương trình nghị sự có nhiều nội dung khác nhau song trên tất cả sẽ là chủ đề về vai trò của Huawei và công nghệ 5G trong thời gian tới tại lục địa châu Âu.
Trước đó, công ty viễn thông TIM của Italy đã quyết định loại Huawei khỏi các đối tác tham gia phát triển mạng 5G.
Tại Pháp, thay vì ban hành lệnh cấm hoàn toàn công nghệ 5G của Huawei, Cơ quan An ninh mạng quốc gia khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tìm kiếm giải pháp thay thế để hạn chế rủi ro an ninh cho quốc gia.
Sự nghi ngại của châu Âu đang trở nên lớn hơn, nhất là đối với mạng lõi của 5G. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU chia sẻ: “Các quốc gia thành viên EU dường như ngày càng nghi ngờ Huawei. Quan điểm chung đang hướng tới việc cấp một vai trò rất nhỏ cho Huawei trong mạng 5G”.
Thu Hương