HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,1% trong năm 2021
Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo “Asia Economics: It’s about stamina” (tạm dịch: “Kinh tế của các nước châu Á: Tất cả là khả năng chịu đựng của mỗi quốc gia”). Trong đó, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất được HSBC dự báo tăng trưởng khả quan năm 2020 và dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 8,1% vào năm 2021.
Theo báo cáo của HSBC, từ đầu năm đến nay, nhiều nền kinh tế ghi nhận bức tranh tăng trưởng xám màu; bên cạnh đó, sau một năm khởi đầu khá khó khăn, kinh tế của các nước châu Á đã được hồi phục dần dần. Điển hình như, Trung Quốc đại lục, nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây, tuy nhiên khối doanh nghiệp tư nhân còn bị ảnh hưởng nặng và chưa thể hồi phục.
Nhật Bản đã phải hứng chịu một “đòn kép” kinh tế trong năm nay, vốn đã quay cuồng với đợt tăng thuế trước đó nay lại còn bị đại dịch tấn công. Hàn Quốc đã khéo léo xử lý vụ bùng phát dịch, nhưng sẽ không thoát khỏi tình trạng suy thoái cả năm. Ngược lại, Ấn Độ vẫn đang gặp phải những thách thức lớn khi phải vật lộn ứng phó với tình trạng lây nhiễm bệnh trên diện rộng và hứng chịu tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Đối với nền kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh bức tranh kinh tế ASEAN còn khá phức tạp thì Việt Nam đã nổi lên với tốc độ tăng trưởng dương hiếm hoi (tăng trưởng GDP đạt 1,8% trong nửa đầu năm 2020).
Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 2,6% trong cả năm 2020 (dự báo trước đây là 3%) và dự kiến đạt mức tăng trưởng 8,1% vào năm 2021. Giải thích về lý do đưa ra kỳ vọng này, nhóm Nghiên cứu Kinh tế của HSBC cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn và thành công trong khống chế dịch bệnh một cách chủ động, không cho số ca nhiễm bệnh tăng lên.
Khi đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần hai vào cuối tháng 7 bùng phát đã làm đình trệ quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt nam. Để ứng phó, Chính phủ đã nhanh chóng đặt ra một vài điểm phong tỏa tại một số địa phương và tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, làn sóng COVID-19 lần hai đã được ngăn chặn thành công. Đây được cho là nguyên nhân giúp Việt Nam trở lại lộ trình phục hồi nền kinh tế mặc dù có thể ở tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu.
Các chỉ số di chuyển tần số cao hiện đang cho thấy hoạt động kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ – lấy lại đà tăng thời kỳ trước dịch. Hơn nữa, tình hình các nước được cải thiện. Hoạt động xuất khẩu tăng hơn 7% trong tháng 7 và 8 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào kết quả tăng của những lô hàng máy tính, bù đắp cho sự giảm sút của các mặt hàng dệt may.
Báo cáo của HSBC nêu rõ: “Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất mà chúng tôi tiếp tục dự báo có tăng trưởng khả quan trong năm nay. Đối với năm 2021, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức 8,1%”.
Đồng quan điểm với HSBC, mới đây, ông Jonathan Pincus, đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cũng cho rằng, thu hút FDI đã chậm lại từ trước đại dịch, song Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia vốn đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu có chi phí thấp do tiền lương ở Trung Quốc tăng lên và tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ gia tăng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cho khu vực châu Á chắc chắn sẽ tăng cao và điều đó sẽ có lợi cho Việt Nam.
Trưởng nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB, ông Suan Teck Kin, cũng có quan điểm cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự hồi phục hơn nữa trong quý IV/2020. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam có thể đạt 2,8%-2,9%.
Thùy Linh