Hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản bước sang chương mới

Sáng ngày 1/7, Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nhật Bản vì sự thịnh vượng và tin tưởng lẫn nhau” đã chính thức khai mạc tại Tokyo – Nhật Bản. Hội nghị diễn ra chỉ một ngày sau khi EU và Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và bảo hộ đầu tư (IPA) tại Hà Nội, chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ví von Nhật Bản là “những nhà mở hàng đầu tiên”…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hôm qua ông đã bay từ Osaka về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại Lễ ký kết hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và EU – EVFTA, IPA; đồng thời nhấn mạnh: “Đến Nhật Bản lần này, các bạn là những người mở hàng đầu tiên. So với những năm trước, tôi càng có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định FTA và 3 hiệp định đang đàm phán. Với việc bao phủ đến hầu hết các châu lục trên thế giới đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu.

Nếu Hiệp định EVFTA chính thức thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định. Về phương diện tăng trưởng kinh tế, EVFTA giữa Việt Nam-EU góp phần làm cho tăng GDP của Việt Nam thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% cho giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,3% cho giai đoạn 2024-2028 và 4,7-7,2% cho giai đoạn 2029-2033. “Đây chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam” – Thủ tướng cho hay.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có nhiều ngành nghề giàu tiềm năng phát triển mà các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm; nổi bật có thể kể đến ngành sản xuất chế biến chế tạo khi hiện nay Việt Nam đã trở thành công xưởng của thế giới trong nhiều mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày…  Tiếp theo là các ngành: nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao; năng lượng, đặc biệt là ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; du lịch; bán lẻ; bất động sản; thương mại số… “Chúng tôi coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia. Điều đặc biệt là Hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra sau đúng 2 tháng đầu tiên của triều đại mới Reiwa, hứa hẹn một chương hợp tác mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp và thành công cho hợp tác song phương Việt Nam – Nhật Bản, Nhật Bản – Việt Nam” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.

Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Tp.Hà Nội, tỉnh Nam Định đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản; chứng kiến Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và UT Group Nhật Bản trao đổi Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ lao động chất lượng cao cho các công ty Nhật Bản. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2025, hai bên phấn đấu hợp tác để đào tạo, đưa nhân công đi thực tập tại nước ngoài hoặc tiếp nhận và hỗ trợ việc làm cho khoảng 20.000 lao động Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt trên 245 tỷ USD và Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045, quy mô nền kinh tế tăng hơn 10 lần, đạt tối thiểu 2.500 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 20.000 USD. Hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thương mại và đầu tư lớn hàng đầu thế giới với độ mở thương mại hiện đạt trên 200% GDP, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, thuộc tốp 25 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Về độ mở đầu tư, tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam thu hút đến nay đã trên 350 tỷ USD với 28.000 dự án đang hoạt động và đã giải ngân trên 200 tỷ USD. Riêng năm 2018, Việt Nam đã thu hút trên 35 tỷ USD. Hiện có rất nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới hiện diện tại Việt Nam.

Minh Hoàng