Hợp tác song phương Việt Nam – Hà Lan: Cơ hội nâng tầm từ EVFTA
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Tp.Đà Nẵng, ông Carel Richter – Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Tp.HCM đã tham dự buổi kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan diễn ra vào chiều ngày 21/8. Sự kiện thu hút khoảng 40 doanh nghiệp hai nước tham gia.
Theo chia sẻ của ông Carel Richter, trải qua 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 – 2019), Việt Nam và Hà Lan đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan hiện được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả và hiện cả 2 nước đang hướng tới mục tiêu trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, bền vững
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Hà Lan – Việt Nam không ngừng phát triển. Hà Lan đã trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Châu Âu với kim ngạch thương mại tăng đều qua các năm. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hà Lan đạt tới 7,84 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan đạt 7,08 tỷ USD và nhập khẩu từ Hà Lan 760 triệu USD. Kể từ năm 2016, Hà Lan đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ở Châu Âu và là đối tác thương mại EU lớn thứ hai của Việt Nam sau Đức.
Trong hợp tác đầu tư, Hà Lan đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với 318 dự án đầu tư tính đến hết năm 2018, tổng vốn đầu tư hơn 9,3 tỷ USD. Trên thực tế, rất nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam của các tập đoàn lớn đến từ Hà Lan hoạt động rất hiệu quả như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Foremost, Akzo Nobel Coating, Philips … Đến Việt Nam, các doanh nghiệp Hà Lan mang theo thế mạnh và kinh nghiệm trong các lĩnh vực: công nghệ quản lý chất thải, quản lý tài nguyên nước, công nghiệp công nghệ cao, các công nghệ liên quan đến mô hình thành phố thông minh…..
Theo ghi nhận của ông Carel Richter, hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan sẽ được thắt chặt hơn trong thời gian tới, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, góp phần đưa Việt Nam và Hà Lan trở thành cầu nối cho nhau tại hai thị trường nhiều tiềm năng là Đông Nam Á và EU. “EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác, đầu tư và giao thương Việt Nam – Hà Lan mạnh mẽ hơn; góp phần mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư Hà Lan” – Tổng lãnh sự Hà Lan tại Tp.HCM khẳng định
Là thành viên của EU, Hà Lan được hưởng những ưu đãi do EVFTA mang lại. Cụ thể cánh cửa xuất khẩu của Hà Lan sẽ mở rộng hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam có triển vọng như các nông sản, sữa và các sản phẩm từ sữa, nguyên phụ liệu dệt may… Người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao với giá cạnh tranh hơn. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan cũng có thêm động lực và nhiều cơ hội bứt phá vươn lên.
Hiện Việt Nam đang xuất siêu sang Hà Lan 6,3 tỷ USD. Với việc 100% dòng thuế nhập khẩu vào EU, trong đó có Hà Lan, được gỡ bỏ hoàn toàn trong thời gian tối đa 7 năm, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng độ “phủ sóng” trên kệ hàng tại EU nói chung, Hà Lan nói riêng. “Với Hiệp định EVFTA, tôi kỳ vọng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, nông sản sẽ tăng diện bao phủ của mình tại thị trường Châu Âu nói chung – Hà Lan nói riêng bởi từ bấy lâu nay, hàng nông sản, thực phẩm, may mặc “Made in Vietnam” rất được người tiêu dùng Châu Âu ưa chuộng. Dĩ nhiên đi kèm với ưu đãi, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe được các nước Châu Âu dựng lên để bảo hộ nền sản xuất nội địa như: tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ…”, ông Carel Richter khuyến nghị.
Thái Hòa