Hội thảo lãnh sự Hoa Kỳ về PCCC
Hướng tới các tòa nhà an toàn hơn trong thành phố thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Tốc độ phát triển nhanh chóng của Việt Nam đã đem đến tăng trưởng đầu tư trong các dự án nhà đô thị cao cấp, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khách sạn, khu văn phòng, ngân hàng, bảo hiểm… Việc này đã tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường thiết bị an ninh an toàn, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro cho các tòa nhà đang được thiết kế và xây mới.
Đế đáp ứng nhu cầu này, Công ty UL và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ đồng tổ chức hội thảo “Hành động cho các tòa nhà thông minh hơn trong thành phố thông minh” tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 22 tháng 5 năm 2018. Tham dự Hội thảo bao gồm Bà Mary Tarnowka – Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh; Thiếu tướng TS. Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (Bộ Công an); Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng và Ông Kelvin Faltin – phó chủ tịch của Công ty UL về hệ thống và vật liệu xây dựng.
Hội thảo tập trung vào các chương trình của UL về kiểm tra xây dựng, PCCC, cùng với các bài thuyết trình của các công ty hàng đầu đến từ Mỹ như Honeywell và Luke Alexander và các công ty phát triển lớn khác. Hội thảo sẽ nói về các chủ đề như “Những thách thức về an toàn mà nhà phát triển ở VN phải đối mặt”, “Chương trình chữa cháy cho các tòa nhà”, “Xây dựng hệ thống PCCC”, và “Giải pháp an ninh an toàn tích hợp cho các tòa nhà”.
Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (Bộ Công an), Việt Nam đang rất khuyến khích các giải pháp an toàn cho công trình xây dựng và trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy thông minh, có tính tích hợp cao, dễ dàng kết nối với hệ thống PCCC của lực lượng chuyên trách.
Chú trọng các giải pháp bền vững
Bà Nikki Nguyễn, CPO của công ty Veracity trong bài phát biểu “Thách thức về an toàn khi đầu tư dự án” đã dẫn chứng thực trạng đô thị ở Việt Nam phân mảng về kết cấu, đan xen giữa khu vực đô thị mới và cũ, trong khi giá bất động sản tăng liên tục, các chủ dự án đều mong muốn tối đa hóa lợi nhuận đầu tư.
Về thực trạng chung, theo dự đoán đến năm 2030, sẽ có 5,1/8,5 tỷ dân sinh sống ở khu vực đô thị, tạo áp lực làm bùng nổ các công trình xây dựng. Bà Nikki Nguyễn khuyến khích những đô thị ở Việt Nam nên thực hiện các giải pháp dự phòng chủ động.
Một trong những giải pháp công trình quan trọng mà Veracity đưa ra đó là Framework. Framwork hướng đến tiêu chí an toàn và bền vững khi xây dựng công trình. Giaỉ pháp này sẽ sử dụng vật liệu và phần hoàn thiện bền vững, dễ bảo trì, giúp tiết kiệm chi phí và tối đa hóa hiệu năng của cơ sở vật chất, năng lượng, tuổi thọ, sự phát thải khí …
Framework loại trừ ngay từ đầu nguy cơ của khâu thiết kế và ứng dụng công nghệ trong quản lý công trình. Tòa nhà xây dựng theo tiêu chí Framework tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên. Không gian thiết kế phù hợp với tỷ lệ cơ thể con người và hệ thống thống tường kính giúp giảm phát xạ.
Tòa nhà Framework có thể bảo tồn năng lượng bằng cách tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống BMS, tích hợp các hệ thống điện – nước. Các kết cấu vật liệu sẽ điều tiết nhiệt độ cho tòa nhà, đồng thời tích hợp hệ thống PCCC với hệ thống cản khói, thông gió.
Tại hội nghị, ông Bob James, đại diện của công ty UL chuyên cung cấp giải pháp khoa học công nghệ để giải quyết thách thức về an ninh/an toàn và phát triển bền vững, cũng giới thiệu với cử tọa về trình thẩm định an toàn cháy nổ của tòa nhà.
Vị giám đốc này cho biết số vụ cháy nổ và thiệt hại về tài sản từ những sự kiện hỏa hoạn lớn trên thế giới không ngừng gia tăng qua các năm, tập trung đáng kể ở khi vực đô thị.
Theo chỉ số an toàn UL năm 2017 (UL Safety IndexTM ), một nghiên cứu trên toàn thế giới đánh giá về trạng thái an toàn tương đối trên 187 quốc gia, nhiều tòa nhà ở Việt Nam chưa đạt được tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là về mảng phòng chống các sự cố hỏa hoạn. Cũng theo nghiên cứu này, Việt Nam xếp thứ sáu trong số mười nước ASEAN về an toàn chung, nhấn mạnh hơn nữa nhu cầu về các biện pháp chủ động như tăng cường kiểm tra xây dựng để bảo đảm sự an toàn của người dân và tăng tính bền vững trong kinh doanh.
LÊ ĐÔ