Hội nhập kinh tế quốc tế – Hướng đi đúng đắn của Đảng đưa Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc kinh tế
Trên cơ sở nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua Đảng ta đã nhất quán chủ trương phải tăng cường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, xem đây như kim chỉ nam cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đưa Việt Nam từng bước vươn lên trở thành cường quốc kinh tế
Đến nay, thực tế đã chứng minh hội nhập kinh tế quốc tế chính là hướng đi đúng đắn, sáng suốt mà Đảng ta đã lựa chọn khi những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ góp phần cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mà còn tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, hội nhập kinh tế quốc tế còn giúp tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và từng bước đưa Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế cũng như trong mắt các nhà đầu tư
Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) – Đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, chủ trương hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật đối với các nước đã được đề cập và xuyên xuốt qua các kỳ đại hội, cho tới Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước.”
Tại Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong các văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “về hội nhập kinh tế quốc tế”. Tại Đại hội X (2006), Đảng ta đã nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Giai đoạn này cũng đánh dấu một trong những sự kiển nổi bật về hợp tác kinh tế quốc tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1/2007. Từ đó đến nay, tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng, đạt được nhiều kết quả, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Có được thành công trên là do trong những năm qua, việc hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) luôn được đặt ra trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ như Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là Thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và gần đây nhất là Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.
Trong các Nghị quyết và Chỉ thị nêu trên cũng thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, chủ trương lớn được Đảng và Chính phủ quán triệt về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập vào các FTA. Cụ thể Nghị quyết số 22/NQ-TW về hội nhập quốc tế khẳng định, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.
Đại hội IX (năm 2001) của Đảng nhấn mạnh việc “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05/2/2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO” cũng đề ra mục tiêu đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế phù hợp với chủ trương, định hướng của Ðảng và Nhà nước, chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương.
Kế thừa quan điểm chỉ đạo về đối ngoại của các kỳ Đại hội trước đây, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đưa ra chủ trương có tính bước ngoặt về đường lối đối ngoại trong điều kiện mới; trong đó chú trọng đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác.
Đứng trước yêu cầu phải thể hiện tầm vóc toàn diện và sâu rộng so với các thời kỳ trước, Ban Bí thư TW đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; nhấn mạnh Việt Nam cần chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN giữ vai trò trung tâm, nhằm tăng cường đoàn kết, gia tăng liên kết nội khối, củng cố quan hệ hợp tác với các bên đối thoại của ASEAN, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra về hội nhập kinh tế quốc tế, ta đã chủ động và tích vực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực, với các dấu mốc quan trọng như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM), trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và đặc biệt là gia nhập WTO.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, với vai trò là cơ quan được giao chức năng quản lý Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, trong suốt giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện công tác đàm phán, ký kết các FTA và các nhiệm vụ liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA, cả ở cấp độ song phương và nhiều bên. Về song phương, ta đã ký kết và thực thi FTA với Nhật Bản, Chi-lê và Hàn Quốc; Về hợp tác nhiều bên, khu vực hoặc đa phương, ta đã ký kết và triển khai thực thi FTA với khối Kinh tế Á-Âu và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Trong khuôn khổ ASEAN, ta đã cùng với các thành viên ASEAN ký kết một loạt FTA với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Niu-Di-lân và Hồng Công (Trung Quốc). Hiện nay, ta đang tiến hành đàm phán FTA với Khối Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA – gồm 4 nước là Thụy Sĩ, Na-uy, Ai-xơ-len và Lích-xten-xtai), Israel, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP – giữa ASEAN với cả 6 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, New Zealand).
Như vậy, cho đến nay Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Việc đề ra chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế về kinh tế là một hướng đi đúng đắn, sáng suốt, thiết thực mà Đảng đã lựa chọn, thể hiện một sự thay đổi thức thời trong tư duy và bắt kịp với xu thế của thời đại. Đây là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và vững mạnh. Việc thực hiện chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng với nhiều thành tựu góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là minh chứng rõ nét nhất cho con đường đúng đắn, sáng suốt mà Đảng đã lựa chọn.
Thanh Trúc