Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2018 – Dành trọng tâm cho thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế khu vực
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã cùng ngồi lại với nhau tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2018 để tập trung thảo luận về các cách thức nhằm thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế khu vực.
Các nhà lãnh đạo trước phiên họp hẹp của Hội nghị Cấp cao APEC 2018 ngày 18/11
Năm 2018 chứng kiến cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả hai nước áp dụng các biện pháp thuế quan trị giá hàng tỷ USD nhằm đáp trả lẫn nhau. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các nước thành viên APEC cùng ngồi lại với nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2018 với mối quan tâm hàng đầu là làm thế nào tìm được lập trường chung để chống lại các chính sách bảo hộ và thúc đẩy thương mại tự do.
Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2018 được tổ chức tại Papua New Guinea – một quốc đảo ở phía Nam Thái Bình Dương ngay thời điểm Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế khác chỉ trích Trung Quốc áp dụng các chính sách làm méo mó thị trường như: vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp công nghiệp…. Trong khi đó, chính sách “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng gây nên làn sóng quan ngại sâu sắc trên toàn cầu, nhất là khi trọng tâm của chính sách này là theo đuổi các thỏa thuận song phương, phản đối các thỏa thuận cũng như các tổ chức thương mại đa phương
Theo một dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị, các nền kinh tế thành viên ASEAN hướng tới cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức cũng như các biện pháp cản trở thương mại; đồng thời bàn thảo về vấn đề phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo APEC cũng tập trung thảo luận về việc tạo ra một khu vực thương mại tự do của châu Á – Thái Bình Dương.
Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2018 cũng đã thông qua bản hướng dẫn mới về chất lượng của các khoản vay đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, với việc toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên APEC đều nhất trí cần cân nhắc đến khả năng trả nợ của bên vay trước khi ký kết các thỏa thuận cho vay đầu tư. Các hướng dẫn này được xem là đấu tranh với Trung Quốc trong bối cảnh một số nước phát triển như Sri Lanka và Pakistan đang phải “còng lưng” để trả các khoản vay lớn được nhận dưới dạng “viện trợ” theo sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của chính quyền Bắc Kinh. Sự ra đời của bản hướng dẫn theo đó được coi là một bước đi thể hiện sự không hài lòng của nhiều nền kinh tế với các dự án cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng ồ ạt song thiếu bền vững của Trung Quốc.
Nguyễn Cường