Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 52 – Dành trọng tâm cho thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và thế giới
Chiều 25/8, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM 52) và các Đối thoại, tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN với các Đối tác ngoại khối đã chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội. Hội nghị do ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì.
Tại AEM-52, nhiều nội dung quan trọng đã được các Bộ trưởng ASEAN tập trung thảo luận như: Rà soát tiến trình triển khai các sáng kiến về kinh tế trong năm 2020 khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch; thảo luận, cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 và ứng phó của khu vực, bao gồm cả khả năng xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện của ASEAN; thảo luận các khuyến nghị của Nhóm Đặc trách về Hội nhập Kinh tế ASEAN trình lên các Bộ trưởng Kinh tế; thảo luận báo cáo của các SEOM lên các Bộ trưởng Kinh tế; thảo luận nội dung chuẩn bị cho đối thoại với hàng loạt đối tác của ASEAN cũng như với cộng đồng doanh nghiệp khu vực; chia sẻ quan điểm của các Bộ trưởng về tiến trình cải cách WTO…
Bên cạnh đó một số văn kiện chính do SEOM trình lên (Chỉ số hội nhập số ASEAN; Tài liệu tham chiếu (TOR) về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN; Hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong ASEAN…) cũng đã được đích thân các Bộ trưởng xem xét, thảo luận và thông qua. Trong đó, “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN” là 2 trong tổng số 13 sáng kiến ưu tiên của Việt Nam cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hiện tại nước ta vẫn đang tích cực thúc đẩy triển khai các sáng kiến còn lại để sớm về đích trong năm 2020 theo kế hoạch đề ra.
Hội nghị cũng ghi nhận những đóng góp quan trọng của Việt Nam cho sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực. Bất chấp sự tàn phá của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại nhiều quốc gia khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn nỗ lực thúc đẩy việc tổ chức các hội nghị cấp Bộ, cấp Vụ cũng như cấp Nhóm công tác nhằm duy trì việc vận hành của khung hợp tác kinh tế ASEAN, thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, kết nối, sáng tạo… Đặc biệt tại AEM-52, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia vào các sáng kiến khu vực nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và thế giới. Cụ thể về nội khối ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội; về ngoại khối ra các Tuyên bố chung gồm: Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3; Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Nhật Bản, Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Trung Quốc và Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Hàn Quốc.
Theo ghi nhận của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Bộ trưởng ASEAN đánh giá rất cao các sáng kiến Việt Nam đề xuạt, đơn cử như: các biện pháp của chúng ta trong việc tăng cường tính kết nối, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các chương tình hỗ trợ của khu vực công, khu vực Chính phủ, khu vực nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường hơn nữa việc chuyển đổi số dựa trên nền tảng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử cũng như hướng tới mục tiêu của kinh tế số….
Ngoài các nội dung trên, Hội nghị AEM-52 cũng đã trao đổi quan điểm về các diễn biến kinh tế ở góc độ toàn cầu và khu vực; bao gồm cả tác động kinh tế của đại dịch Covid-19. Một số nội dung nổi bật khác cũng đã được thảo luận; điển hình như thảo luận trong nội bộ ASEAN về định hướng đàm phán, hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo. Triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đặc biệt là việc đánh giá giữa kỳ để có thể điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu…
Linh Lan