Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan cắt giảm dự báo tăng trưởng
Một cơ quan hoạch định kế hoạch của chính phủ hôm thứ Hai đã hạ triển vọng kinh tế cả năm xuống mức giảm từ 7,3% đến 7,8% so với dự báo trước đó là giảm từ 5% đến 6%, sau khi báo cáo nền kinh tế đã suy giảm ở mức kỷ lục trong 22 năm trong quý II.
Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) cho biết việc sửa đổi chủ yếu do số lượng và doanh thu từ khách du lịch nước ngoài giảm mạnh; suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng và giảm thương mại hàng hóa; ảnh hưởng của đại dịch; và hạn hán.
Họ cũng cắt giảm dự báo giá trị xuất khẩu hàng hóa, chi tiêu tiêu dùng tư nhân và tổng đầu tư xuống lần lượt là -10%, -3,1% và -5,8% so với các ước tính trước đó là -8%, -1,7% và -2,1% được đưa ra hôm 18 tháng 5.
Dự báo giả định đợt bùng phát sẽ được kiềm chế trong quý IV và không có đợt lây nhiễm thứ hai trong cả nước.
Tổng thư ký NESDC Thosaporn Sirisamphand cho biết nền kinh tế chỉ dựa vào hai yếu tố đóng góp: tiêu dùng của chính phủ và đầu tư của chính phủ.
Hội đồng dự kiến đầu tư công sẽ tăng 8,6%, tăng từ mức 5,6% được dự báo vào ngày 18 tháng 5, trong đó tiêu dùng của chính phủ không đổi ở mức tăng trưởng 3,6%.
NESDC cho biết việc quản lý chính sách trong thời gian còn lại của năm 2020 cũng cần nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát Covid-19, cùng với việc thực thi chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cần cứu trợ thêm cho các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát, đồng thời khuyến khích xuất khẩu để tạo thu nhập ngoại tệ bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập của khách du lịch nước ngoài và khuyến khích phục hồi sản xuất và đầu tư tư nhân. Chính phủ cũng nên cung cấp viện trợ cho ngành nông nghiệp vì hạn hán nghiêm trọng và giá xuất khẩu giảm, đơn vị này nói.
NESDC kêu gọi chính phủ thúc đẩy chi tiêu của nhà nước; quảng bá du lịch trong nước và mua các sản phẩm địa phương làm ra; chuẩn bị các biện pháp xử lý các yếu tố rủi ro phụ, nhất là bùng phát kéo dài ở các nước lớn và khả năng xuất hiện làn sóng thứ hai, sự biến động của thị trường kinh tế – tài chính toàn cầu, rủi ro từ điều kiện kinh tế toàn cầu trong trung hạn; và duy trì sự ổn định chính trị trong nước để không làm trầm trọng thêm các điều kiện kinh tế và trở thành một trở ngại cho sự phục hồi vốn vẫn còn mong manh và không chắc chắn.
NESDC báo cáo GDP đã giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Ngọc Ánh