Hoạt động sản xuất đạt doanh thu khủng, vì đâu Vingroup vẫn chịu lỗ?

Chỉ trong thời gian ngắn, Vingroup đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên ít ai biết để có được thành công này, trong 6 tháng đầu năm nay hãng đã dành tới 1.732 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu phát triển (R&D), cao gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

Dễ dàng thấy được hoạt động nghiên cứu phát triển giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của Vingroup, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp – công nghệ và được Tập đoàn xác định là chiến lược 10 năm.

Trước đó vào ngày 22/1/2021, VinFast đã chính thức công bố 3 dòng xe SUV điện thông minh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo với những tính năng thông minh vượt trội gồm VF31, VF32, VF33; trong đó VF31 là dòng SUV cỡ vừa (phân khúc C) và chỉ có một phiên bản xe điện, VF32 là xe SUV cỡ trung (phân khúc D), VF33 là xe SUV cỡ đại (phân khúc E). VF32 và VF33 mỗi xe đều có 2 phiên bản điện và xăng. Cả 3 dòng xe đều sở hữu tính năng tự hành cấp độ 2-3, với 30 tính năng thông minh chia làm 7 nhóm gồm: hệ thống trợ lái thông minh, hệ thống kiểm soát làn thích ứng, hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, hệ thống cảnh báo va chạm đa điểm, hệ thống giảm thiểu va chạm toàn diện, hệ thống đỗ xe tự động thông minh và hệ thống giám sát người lái.

Đặc biệt để chuẩn bị cho việc mở bán các dòng xe điện trên thị trường toàn cầu, VinFast thực hiện chính sách thu hút hiền tài, chiêu mộ các cựu Giám đốc điều hành cấp cao từ nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Tesla, BMW, Porsche, Toyota và Nissan. Bên cạnh đó, hãng còn thành lập các chi nhánh trên khắp lãnh thổ nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan và Mỹ là thị trường đầu tiên VinFast muốn chinh phục, sau khi thành công mới tập trung phát triển các thị trường khác. Trong đó khoảng thời gian mà Vingroup đưa ra để VinFast bắt đầu có tên tuổi trên đất Mỹ là 3 – 5 năm và công ty chấp nhận bù lỗ.

Cùng với VinFast, Vingroup cũng đang đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ sinh thái số One Mount Group; các dự án nghiên cứu công nghệ ứng dụng trong hoạt động kinh doanh/quản lý vận hành của các công ty con (Vinhomes, Vincom Retail); các dự án nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (VinAI); dữ liệu lớn (VinBigdata); an ninh mạng (VinCSS)…

Ngoài chi đậm cho hoạt động R&D, trong 6 tháng đầu năm nay Vingroup dành hơn 1.119 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ và từ thiện, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong chương trình gây Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 do Chính phủ phát động hồi tháng 6, Tập đoàn cũng đã ủng hộ trực tiếp 480 tỷ đồng.

Đặc biệt được sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam, đầu tháng 8/2021 Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty CP Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19. Theo thỏa thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP công nghệ sinh học VinBioCare – thành viên của Vingroup sẽ tiến hành sản xuất vaccine phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus). Vắc xin này có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…Nhà máy vaccine của VinBioCare được đặt tại KCN Hòa Lạc (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến đến đầu năm 2022 Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên.

Trước đó vào năm 2020, tỷ phí Phạm Nhật Vượng cũng đã được Forbes vinh danh trong danh sách Anh dùng thiện nguyện châu Á. Riêng 6 tháng đầu năm nay, Vingroup đã chuyển cho Quỹ Thiện Tâm 536 tỷ đồng cho mục đích từ thiện, cùng kỳ năm ngoái là 2.118 tỷ đồng.

Tổng cộng trong nửa đầu năm 2021, Vingroup đã chi gần 8.900 tỷ đồng cho công tác thiện nguyện, đầu tư phát triển và một phần từ trích lập dự phòng. Đây là nguyên nhân khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của Vingroup tăng lên đáng kể, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy dù trong 6 tháng đầu năm, dù hoạt động sản xuất của Vingroup (chủ yếu là VinFast) thu về 9.314 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ song Tập đoàn vẫn đang chịu lỗ.

Nguyệt Hoàng