Hoa Kỳ và EU thông qua thỏa thuận cắt giảm thuế quan đôi bên cùng có lợi
Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Ủy viên thương mại EU Phil Hogan vừa công bố thỏa thuận về một gói cắt giảm thuế quan được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường hàng xuất khẩu màu mỡ trị giá hàng trăm triệu USD của Hoa Kỳ và EU. Được biết đây là đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên giữa Hoa Kỳ và EU trong hơn 20 năm trở lại đây.
Theo thỏa thuận, EU sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm tôm hùm sống và đông lạnh của Hoa Kỳ; qua đó góp phần đưa các nhà xuất khẩu tôm hùm Hoa Kỳ trở lại sân chơi bình đẳng với các đối thủ Canada vốn đã được hưởng ưu đãi miễn thuế từ thị trường EU trong vài năm nay.
EU xóa bỏ thuế quan đối với tôm hùm Hoa Kỳ trên cơ sở Tối huệ quốc (MFN), chính thức có hiệu lực hồi tố kể từ ngày 1/8/2020. Theo lộ trình, các loại thuế quan của EU sẽ được xóa bỏ dần trong khoảng thời gian 5 năm, sau đó Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành các thủ tục cắt giảm thuế quan vĩnh viễn. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng sẽ cắt giảm 50% thuế suất đối với các sản phẩm mà EU xuất khẩu sang quốc gia này như: đồ thủy tinh, pha lê, bật lửa và một số mặt hàng chế biến sẵn… Việc cắt giảm thuế quan của Hoa Kỳ cũng sẽ được thực hiện trên cơ sở MFN
Ông John Connelly – Chủ tịch Viện Thủy sản quốc gia Hoa Kỳ (NFI) cho biết trước đây thuế xuất khẩu tôm hùm sống và đông lạnh của Hoa Kỳ sang EU là 8 – 20% nhưng kể từ sau thỏa thuận song phương này, mức thuế suất sẽ giảm xuống còn 0%. Đây thực sự là một tin vui cho những người thu hoạch tôm hùm Hoa Kỳ cũng như các nhà chế biến, phân phối tôm hùm ở quốc gia này, tạo bệ phóng cho con tôm hùng Hoa Kỳ vươn ra chinh phục thị trường EU cũng như toàn cầu.
Còn theo ghi nhận của Đại sứ Lighthizer và Ủy viên Hogan, nằm trong nỗ lực chung cải thiện quan hệ hợp tác EU-Hoa Kỳ, thỏa thuận cắt giảm thuế quan lần này sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho cả nền kinh tế Hoa Kỳ lẫn EU. Quan trọng hơn, gói cắt giảm thuế quan này chỉ là bước khởi đầu cho các thỏa thuận bổ sung về sau này nhằm tạo ra thương mại xuyên Đại Tây Dương tự do, công bằng và bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Ân Thuyên