Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 4,891 tỷ USD, cao nhất kể từ đầu năm 2018; nâng tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị này, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng.
Đồ gỗ là mặt hàng XK chủ lực sang Hoa Kỳ
Nhìn vào thống kê của Tổng cục Hải quan, dễ dàng nhận thấy hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ như: dệt may, điện thoại – linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, máy móc – thiết bị … đều đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó hàng dệt may và điện thoại tăng thêm nhiều nhất với gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ. Kết quả này cũng phần nào cho thấy trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc đang trong giai đoạn quyết liệt song bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn có nhiều “điểm sáng” đáng ghi nhận.
Theo Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện nay, cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn duy trì những nhóm hàng chủ lực trước đây. Cụ thể Hoa Kỳ xuất sang Việt Nam các sản phẩm: máy vi tính, linh kiện điện, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…Còn Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nông sản…
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn vì tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp so với dung lượng thị trường. Tuy nhiên các chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo dù là thị trường màu mỡ và giàu tiềm năng khai phá song Hoa Kỳ lại là thị trường nổi tiếng cầu toàn và khắt khe về vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập thành công thị trường khổng lồ này phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thị trường để gia tăng năng lực cạnh tranh; đồng thời chủ động đẩy mạnh hợp tác để tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng mới.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ phải đối diện là những thay đổi về xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm; đặc biệt là đối với một số ngành hàng như thủy hải sản, nông sản thực phẩm…. Có thể việc đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe từ thị trường Hoa Kỳ sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm và từ đó làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp; tuy nhiên về lâu dài đây lại là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiệu quả nếu doanh nghiệp biết chủ động thích nghi, kiên trì giữ vững thị trường và thực thi nghiêm túc các quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về phía Bộ Công Thương luôn khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.
Victor Thai