Hoa Kỳ giảm gần 7 lần thuế chống bán phá giá với mật ong Việt Nam
Theo như kết luận cuối cùng về mức thuế trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) mật ong nhập khẩu từ Argentina, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam vừa được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành, biên độ thuế CBPG cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm gần 7 lần so với kết luận sơ bộ, từ mức 410,93% – 413,99% xuống còn 58,74% – 61,27%. Kết quả này là sự đền đáp xứng đáng cho ngành sản xuất, xuất khẩu mật ong trong nước sau gần 1 năm tích cực hợp tác với phía cơ quan điều tra Hoa Kỳ.

Trước đó vào tháng 5/2021, DOC đã có thông báo khởi xướng điều tra CBPG đối với mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ và đến cuối năm thì chính thức công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng này là 412,49% – cao gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đề xuất (207%). Nằm trong danh sách các nước bị áp thuế xuất khẩu mật ong lần này còn có Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Argentina.
Đại diện Bộ Công Thương Việt Nam cho biết trong quá trình điều tra vụ việc, Hội nuôi ong Việt Nam và các đối tượng điều tra chống bán phá giá rất tích cực hợp tác cũng như cung cấp tất cả các số liệu cần thiết cho DOC. Về phía Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần phối hợp với các Bộ, ngành khác bày tỏ quan điểm với phía Hoa Kỳ, đề nghị Hoa Kỳ có sự đánh giá khách quan, công bằng, tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tại Hoa Kỳ có hai cơ quan tham gia vào một vụ việc điều tra CBPG là DOC (xác định mức thuế CBPG) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ – ITC (xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước). Biện pháp CBPG sẽ chính thức có hiệu lực trên cơ sở kết luận cuối cùng về bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Hiện nay ITC đang điều tra về thiệt hại và dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 23/5/2022.
Bộ Công Thương đánh giá cao việc DOC luôn lắng nghe ý kiến các bên một cách công tâm và đã điều chỉnh giảm thuế CBPG dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam từ mức 410,93% – 413,99% xuống còn 58,74% – 61,27%. Tuy nhiên Bộ Công Thương cho rằng kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tình hình sản xuất, xuất khẩu mật ong của Việt Nam; hơn nữa việc áp thuế như hiện nay không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam mà còn gián tiếp gây ra khó khăn cho các nhà nhập khẩu mật ong tại Mỹ do thiếu nguồn cung nguyên liệu cho chế biến.
Chính vì vậy trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Phòng vệ Thương mại, Hiệp hội ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam tiếp tục đấu tranh để có được kết quả hợp lý hơn; qua đó hỗ trợ ngành mật ong Việt Nam được đối xử công bằng trong vụ việc này theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam.
Song song đó Bộ Công Thương cũng tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mật ong gia tăng lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như chinh phục thành công các thị trường tiềm năng khác, khai thác triệt để lợi ích mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Hiện nay thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 95% sản lượng xuất khẩu của mật ong Việt Nam. Sản phẩm mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là mật lá được làm nguyên liệu chủ yếu trong ngành công nghiệp thực phẩm.Theo số liệu thống kê của ITC, năm 2021 sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 56.133 tấn với kim ngạch khoảng 82,1 triệu USD.