Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp – Yêu cầu cấp thiết…

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 hoành hành đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế cũng như hoạt động của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển, vấn đề hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp được các quốc gia, trong đó có Việt Nam đặc biệt chú trọng nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương, tìm kiếm đối tác, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khủng hoảng của đại dịch

Thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Market Research Future cho thấy vào năm 2018, mức đầu tư cho chuyển đổi số toàn cầu đạt 205,65 tỷ USD. Ước tính tới năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 817,05 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng mức đầu tư trung bình hàng năm đạt tới 18,87%. Mức tăng trưởng ấn tượng này cao gấp nhiều lần so với mức tăng trưởng GDP thế giới, thể hiện mối quan tâm và sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và các tổ chức cho các dự án liên quan tới chuyển đổi số cho tới năm 2025

Cũng như thế giới, nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với nhiều doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo anh Nguyễn Văn Khánh – Chủ một doanh nghiệp chuyên phân phối sách và văn phòng phẩm trên địa bàn Hà Nội, nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, những năm gần đây bên cạnh kênh bán hàng truyền thống tại cửa hàng, doanh nghiệp của anh còn đẩy mạnh bán hàng theo hình thức trực tuyến, giao hàng tận tay cho khách hàng có nhu cầu và đã những thành quả ban đầu đạt được rất đáng khích lệ.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam phát triển vô cùng sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm tỷ lệ rất lớn tại Việt Nam. Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng. Theo đó đã có một tỷ trọng không nhỏ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối và bước đầu đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, các doanh nghiệp logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất… hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động.

Đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, nhu cầu chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, giúp họ đổi mới mô hình, dịch chuyển hoàn toàn từ phương thức truyền thống sang mô hình kinh doanh trên nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Trước yêu cầu trên, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.  Mục tiêu của Chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để kịp thời hỗ trợ các đối tượng này vượt qua khó khăn của đại dịch, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 500.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số; tối thiểu 800 doanh nghiệp, 100 hợp tác xã và 4.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số…

Theo các chuyên gia kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là yêu cầu vô cùng cấp bách. Trên thực tế đã có nhiều quốc gia trên thế giới gặt hái thành công trong việc thực hiện hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, điển hình như: Singapore, Thái Lan, Malaysia. Cụ thể năm 2017, Singapore đã dành 4,5 tỷ USD vốn ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ chuyển đổi số cho 23 ngành nghề, chiếm gần 80% GDP của nước này, bao gồm cả các giải pháp tài chính và phi tài chính, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Thông qua các chương trình chuyển đổi số, Chính phủ Singapore cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau những lộ trình chuyển đổi phù hợp, đồng thời tư vấn cụ thể về hỗ trợ giải pháp công nghệ đã được kiểm chứng thực tế và các chuyên gia tư vấn để hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số.

Chí Anh