Hồ sơ phá sản của Mỹ tăng đột biến trong nửa đầu năm 2023
Hồ sơ phá sản ở Mỹ đã tăng vọt trong sáu tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái theo dữ liệu do Epiq Bankruptcy công bố trong tuần này.
Công ty đã báo cáo các vụ phá sản thương mại theo Chương 11 đã tăng 68%, với các hồ sơ cho các doanh nghiệp nhỏ tăng 55%. Các hồ sơ theo Chương 13 theo đó cho phép các cá nhân trả một phần nợ của họ đã tăng 23% trong nửa đầu năm nay.
Gregg Morin, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển Kinh doanh và Doanh thu tại Epiq Bankruptcy cho biết: “Sáu tháng đầu năm 2023, tổng số vụ phá sản theo Chương 11 thương mại đã tăng gần 70%. Xu hướng này chỉ ra những thử thách kinh tế mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay, vốn bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, lạm phát và tăng chi phí vay, v.v.”.
Các chuyên gia về phá sản cho biết có vô số yếu tố góp phần làm gia tăng số người Mỹ và các doanh nghiệp bị đẩy đến mức mất khả năng thanh toán.
Amy Quackenboss, giám đốc điều hành của Viện Phá sản Mỹ cho biết: “Năm vừa qua, lạm phát gia tăng, lãi suất cao hơn và việc chính phủ kết thúc các chương trình kích thích đã gây áp lực đáng kể lên người tiêu dùng Mỹ”.
Quackenboss lưu ý rằng nợ thẻ tín dụng của người tiêu dùng đang ở mức cao trong lịch sử khi các cá nhân và gia đình phải vật lộn để trả chi phí cao hơn cho các hàng hóa và dịch vụ gia đình cần thiết. Bà nói với FOX Business “một số người đang phải đối mặt với việc tịch thu nhà của họ vì chi phí tái cấp vốn quá cao do lãi suất tăng”.
Kevin Carey, cựu chủ tịch trực tiếp của ABI, đã chỉ ra rằng lãi suất thế chấp tăng cao là một yếu tố có thể góp phần làm gia tăng các vụ phá sản. Ông giải thích rằng các vụ phá sản theo Chương 13 thường liên quan đến những người tiêu dùng không trả được các khoản thanh toán thế chấp và đang cố gắng ngăn chặn quá trình tịch thu tài sản thế chấp bằng cách cơ cấu lại khoản nợ của họ với người cho vay.
Carey, một chuyên gia về tái cấu trúc doanh nghiệp và cố vấn cao cấp tại công ty luật toàn cầu Hogan Lovells, cho biết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn với chi phí đi vay cao và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc huy động vốn.
Ông nói với FOX Business: “Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn đang trong giai đoạn hậu đại dịch, nơi một số doanh nghiệp không phục hồi hoặc phục hồi rất chậm”.
Carey cho biết chủ sở hữu bất động sản thương mại cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản thế chấp của họ và thị trường đó đang gặp vấn đề sâu sắc khi người thuê từ bỏ không gian vì các công ty không thể thu hút công nhân trở lại văn phòng. Ông nói thêm: “Đó là một điều khó khăn mà tôi nghĩ rằng điều đó sẽ tiếp tục trong thời gian tới”.
Chuyên gia này cho biết rất khó để dự đoán liệu các vụ phá sản có tiếp tục gia tăng hay không, nhưng lưu ý rằng có những dấu hiệu cho thấy mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Carey và Quackenboss đều cho biết việc hoãn trả khoản vay sinh viên sắp hết hạn trong vài tháng tới có thể khiến nhiều cá nhân nộp đơn hơn.
Mặc dù ông tin rằng số lượng hồ sơ phá sản của cả cá nhân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng, nhưng Carey không nhận thấy tình trạng khủng hoảng hiện tại.
Theo dữ liệu của Epiq, đã có hơn 200.000 hồ sơ phá sản trên toàn quốc trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 17% so với tổng số hơn 185.000 hồ sơ trong cùng kỳ năm ngoái.
Carey nói: “Có một khoảng thời gian có tới một triệu hồ sơ khai phá sản mỗi năm. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ chạm phải tình huống này, ít nhất là chưa”.
Huy Hoàng