Hiệu quả từ kết nối tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử
Đặt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nông sản ùn ứ, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành giải pháp hữu hiệu giúp bà con nông dân Đồng Tháp quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường….
Nông dân làm quen với công nghệ
Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất tại các tỉnh, thành khu vực phía Tây ĐBSCL; trong đó phải kể đến tình trạng ùn ứ nông sản, không có thương lái thu mua khi các địa phương trong vùng thực hiện siết chặt việc đi lại của người dân và các phương tiện giao thông theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Anh Nguyễn Văn L (ngụ xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết đang lúc dịch bệnh hoành hành, nhiều hộ dân trong xã đứng ngồi không yên vì không tìm được đầu ra thì gia đình anh may mắn hơn khi có tiểu thương tìm đến thu mua 16 công (tương đương 16.000 m2) khoai lang tím Nhật. Tuy nhiên do giá bán khoai rẻ bèo chỉ 2.000 đồng/kg nên anh L chỉ thu được ít tiền giống; còn phân thuốc, tiền công coi như mất trắng.
Còn theo bà Nguyễn Kim T – tiểu thương thu mua khoai lang tại huyện Châu Thành, chính bà đã đứng ra thu mua khoai lang tím cho các hộ dân trên địa bàn huyện rồi rao bán trên sàn TMĐT với lượng khoai được giải cứu lên đến gần 100 tấn. Tuy nhiên con số này chẳng thấm vào đâu so với hàng trăm tấn khoai lang vẫn đang còn ùn ứ. “Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã đẩy mạnh khâu tiêu thụ để giúp bà con nông dân thu lại ít tiền giống vì với giá bán hiện tại từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, người trồng khoai lang lỗ từ trên 10 triệu đồng/1.000 m2” – bà T cho biết.
Cũng như bà T, ông Nguyễn Văn T – Chủ nhiệm một HTX trồng nhãn trên địa bàn huyện Châu Thành đã đứng ra thu mua và bán trên sàn TMĐT Postmart.vn hơn 100 tấn nhãn idol. Tin vui là qua 2 tháng thu mua nhãn của người dân trên địa bàn huyện Châu Thành mang lên sàn TMĐT bán, các thành viên trong HTX của ông đã bắt đầu có tích lũy và có thêm chi phí trang trải cuộc sống, tạo động lực để mọi người tiếp tục đẩy mạnh bán hàng trên chợ điện tử, giải cứu thêm hàng trăm tấn nhãn nữa cho bà con nông dân trong thời gian tới.
Tuy nhiên theo lời của Chủ nhiệm HTX trồng nhãn này thì bên cạnh những mặt thuận lợi, một người nông dân như ông cũng phải đối mặt với không ít khó khăn khi bán hàng trên sàn TMĐT, nhất là về công nghệ 4.0. Tuy nhiên nhờ được tập huấn cũng như sự chỉ dẫn của con cháu nên hiện nay ông T đã khá thuần thục cách bán trên sàn TMĐT.
Cùng với trở ngại trong tiếp cận công nghệ 4.0 còn phải kể đến khó khăn vốn, các thủ tục đăng ký xe, số nhân công với Ban phòng, chống dịch ở địa phương để đảm bảo điều kiện đi thu mua…
Tiếp tục đồng hành giải cứu nông sản cho bà con
Tại Đồng Tháp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân, bên cạnh việc thành lập Tổ công tác hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản cho nông dân, UBND tỉnh Đồng Tháp còn giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành đưa nông sản nông dân lên sàn TMĐT để bán.
Tính đến ngày 28/8, các ngành chức năng Đồng Tháp đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 297 tấn nông sản, trái cây các loại (nhãn, chanh, bắp, mít, khoai lang, khoai môn, cam – quýt…) cho bà con nông dân thông qua 2 sàn TMĐT. Đến thời điểm hiện tại đã có 176 hộ nông dân tham gia 2 sàn TMĐT và sắp tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tổ chức tập huấn cho trên 70 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia trên sàn TMĐT.
Đơn vị cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu hỗ trợ ít nhất 200 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT, trong đó: 100% hộ được đào tạo, tập huấn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT; 95% hộ có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn TMĐT; 80% hộ có tài khoản thanh toán điện tử…
Ngoài hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT, được biết Sở Thông tin và Truyền thông còn chủ động kết nối với nhiều đơn vị (Bưu điện Đồng Tháp, Bưu chính viễn thông Viettel…) thực hiện cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân khi tỉnh Đồng Tháp áp dụng Chỉ thị 16, kêu gọi người dân ở yên trong nhà chống dịch. Theo đó từ ngày 3 – 28/8, các đơn vị đã cung cấp hơn 13.100 đơn hàng đến tay người dân.
Diệu Nhi