Hiệu quả cao từ nỗ lực chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản

Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy năm 2021, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.900 tỷ đồng so với năm 2020 và trong 5 tháng đầu năm 2022 con số này đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 68,6% so cùng kỳ năm ngoái. Những con số ấn tượng này cũng phần nào cho thấy nỗ lực chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã bất đầu phát huy hiệu quả…

Thất thoát thuế qua “kẽ hở” tự kê khai giá

Trước đó, để chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục thuế địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh, xây dựng dữ liệu giá giao dịch bất động sản để công khai, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; đồng thời có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong chuyển nhượng bất động sản.

Theo quy định, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng, còn đối với doanh nghiệp bất động sản là 20% trên thu nhập; chưa kể nhiều loại phí, lệ phí khác. Tuy nhiên thời gian qua nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế, qua đó vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý vừa gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Đơn cử tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 3, đơn vị này đã thực hiện trả lại hơn 1.200 hồ sơ đóng thuế sang nhượng bất động sản có dấu hiệu kê khai không sát thực tế. Trong số này có nhiều hồ sơ giá kê khai lại tăng từ 2 – 5 lần so với ban đầu, cá biệt có hồ sơ kê khai giá chuyển nhượng đất tăng từ 500 triệu đồng lên 10 tỷ đồng. Thực tế này cũng phần nào cho thấy thất thoát thuế qua kẽ hở tự kê khai giá bất động sản chuyển nhượng là rất lớn.

Cụ thể thống kê của Bộ Tài Chính cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 60.000 hồ sơ đóng thuế sang nhượng bất động sản phải thực hiện khai lại sau một loạt động thái siết chặt kê khai thuế bất động sản. Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế Hà Nội, bất cập hiện nay là giá đất quy định không sát với giá của thị trường bất động sản do Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi đó thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường bất động sản.

Một bất cập nữa là công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan theo cơ quan thuế cũng gặp không ít khó khăn. Một số ngân hàng thương mại lấy lý do bảo mật thông tin khách hàng, không phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin giao dịch của người nộp thuế.

Tiến tới siết chặt hoạt động kê khai thuế bất động sản

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội và việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào ngày 1/6, Đại biểu Phan Thái Bình – đoàn Đại biểu tỉnh Quảng Nam đã có phát biểu đáng chú ý liên quan đến việc thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Cụ thể ông Bình cho biết hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế. Chính vì vậy việc áp dụng các biện pháp để chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản ở các địa phương là không thống nhất, mỗi nơi, mỗi người áp dụng một kiểu

Theo phản ánh của cử tri, một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tuỳ tiện trong việc áp dụng giá bất động sản tính thuế. Nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp nhận giá tính thuế cao hơn 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ. Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản theo khảo sát. Tuy nhiên, căn cứ nào xác định giá hợp đồng sát với giá thị trường và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra. Hậu quả là một số nơi tồn lượng hồ sơ chậm giải quyết quá hạn khá lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền lợi người dân. Một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ. Một số người dân buộc phải chấp nhận tiêu cực để giải quyết hồ sơ thuận lợi.

Để siết chặt hoạt động kê khai thuế bất động sản, Đại biểu Phan Thái Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật Đất đai. UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ và kịp thời giá đất theo sát giá thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho người dân để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong các mối quan hệ này.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan thuế phải quy định cụ thể các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, công khai, minh bạch tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Nỗ lực này cũng sẽ góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Huỳnh Văn