Hiệp định thương mại Mỹ-Đài là chìa khóa để chống lại sự cô lập ngoại giao
Theo nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Đài Loan John Deng, việc ký kết hiệp định thương mại giữa Đài Loan và Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp hòn đảo chống lại sự cô lập ngoại giao với Trung Quốc.
Đài Bắc đã mô tả sáng kiến này là thỏa thuận thương mại toàn diện nhất giữa Mỹ và Đài Loan kể từ khi Washington chuyển sang công nhận ngoại giao Bắc Kinh vào năm 1979.
Thỏa thuận này sẽ cho phép Đài Bắc chứng minh thành tích của mình trong việc tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế, điều sẽ giúp kích hoạt các thỏa thuận thương mại trong tương lai với các nền kinh tế tiên tiến khác, theo John Deng nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn. Ông nói: “Thông điệp của chúng tôi là Đài Loan là một đối tác thương mại đáng tin cậy. Chúng tôi tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tuân theo các quy tắc và chúng tôi là một xã hội dân chủ, minh bạch. Nếu chúng ta có thể kết nối quốc tế nhiều hơn và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, Đài Loan sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và cũng an toàn hơn nhiều”.
Nhưng thỏa thuận này cũng đã gây ra sự phẫn nộ từ chính phủ Trung Quốc, vốn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình mặc dù chưa bao giờ kiểm soát nó. Trong một tuyên bố từ Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc vào tháng 6, Bắc Kinh đã chỉ trích Washington vì đã “đưa ra tín hiệu sai cho lực lượng ly khai Đài Loan”.
Hòn đảo tự trị này đang phải đối mặt với những rào cản trong việc được quốc tế công nhận do áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh, vốn coi hòn đảo dân chủ này là lãnh thổ của mình và cuối cùng phải được “thống nhất”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh hòn đảo, lôi kéo một số đồng minh ngoại giao còn lại của họ và ngăn chặn việc nhập khẩu một số hàng hóa của Đài Loan.
Sau khi ký kết phần đầu tiên của hiệp định thương mại vào tháng 6, hai bên có kế hoạch bắt đầu đàm phán về lĩnh vực đàm phán còn lại, bao gồm nông nghiệp và lao động, ngay sau tháng 8, theo Deng cho biết thêm, mục tiêu là hoàn thành thảo luận vào cuối năm.
Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh Đài Loan đang nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại tự do lớn có hiệu lực vào năm 2018.
Vào tháng 3, Anh đã đạt được thỏa thuận tham gia khối thương mại tự do này, bao gồm 11 thành viên đầu tiên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam.
Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều đã nộp đơn đăng ký tham gia tổ chức vào năm 2021 và các yêu cầu của họ vẫn đang được xem xét. Để tham gia, mỗi quốc gia thành viên sẽ được yêu cầu phê duyệt đơn đăng ký.
Trúc Anh