Hiệp định EVFTA – Cơ hội vàng cho xuất khẩu đồ gỗ nội thất nhà bếp
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy trong tháng 2/2021, xuất khẩu đồ gỗ nội thất nhà bếp tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong số các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu với kim ngạch đạt 61,4 triệu USD, tăng 66,5% so với tháng 2/2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp của Việt Nam tăng tới 92,6% so với cùng kỳ năm ngoái với kim ngạch ước đạt 136,3 triệu USD.
Bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, sở dĩ xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp vẫn nằm ngoài tầm ảnh hưởng do người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu hơn vào khu vực nhà bếp trong các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội. Riêng trong tháng 1/2021, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp của Việt Nam cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh với kim ngạch đạt 74,88 triệu USD, tăng 120,9% so với tháng 1/2020; trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực với kim ngạch đạt 57,04 triệu USD, chiếm tới 76,2% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp của cả nước. Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp sang các thị trường khác cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao như: Đài Loan tăng 411,4%; Australia tăng 214,9%; Trung Quốc tăng 8,9%; Pháp tăng 947,6%…
Theo ghi nhận của các chuyên gia, trong năm 2021 nhu cầu tiêu thụ tăng cao tại thị trường Hoa Kỳ sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp của Việt Nam. Riêng đối với thị trường Đan Mạch, Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 trong số các thị trường cung cấp ngoài khối cho Đan Mạch. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của Đan Mạch.
Theo Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), Đan Mạch là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ đồ nội thất tốt nhất trong số các nước Tây Âu và chủ yếu được đáp ứng thông qua hình thức nhập khẩu. Cụ thể trong 5 năm trở lại đây, lượng tiêu thụ đồ nội thất tại quốc gia này đã tăng hơn 20%. Mức tiêu thụ đồ nội thất bình quân đầu người cũng tương đối cao, đứng thứ 4 ở EU.
Xét trong khối EU, Đan Mạch được xem là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức đi vào thực thi góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Đan Mạch. Đây cũng chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất sang thị trường tiềm năng này trong thời gian tới.
Trong cơ cấu sản phẩm đồ nội thất thì đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Đan Mạch với các thị trường nhập khẩu chính gồm Ba Lan, Thụy Điển, Trung Quốc. Ngoài đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, Đan Mạch cũng nhập khẩu số lượng lớn các mặt hàng ghế khung gỗ, trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp ghế khung gỗ lớn thứ 4 cho Đan Mạch, chỉ sau Ba Lan, Trung Quốc và Latvia.
Ngọc Anh