Hậu dịch bệnh, ngành gỗ cần tìm hướng đi mới để tồn tại và phát triển bền vững

Dịch Covid-19 hoành hành, các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chủ lực của Việt Nam đều bị “đóng băng” khiến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Để vượt qua cơn bĩ cực, các doanh nghiệp vừa nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh vừa tìm hướng đi chiến lược, tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm chủ lực và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu tiềm năng

“Trong cái khó ló cái khôn”

Để đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành gỗ, cuối tháng 3/2020 Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định (FPA Bình Định) đã thực hiện khảo sát nhanh với 124 doanh nghiệp trong ngành có hoạt động xuất khẩu. Kết quả cho thấy thiệt hại về kinh tế đối với các doanh nghiệp là rất lớn khi 100% doanh nghiệp được khảo sát cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của họ, trong đó có: 75% doanh nghiệp thiệt hại ban đầu ước tính vào khoảng 3.066 tỷ đồng; 51% doanh nghiệp cho biết họ phải thu hẹp quy mô sản xuất; 35% doanh nghiệp mặc dù đang hoạt động bình thường nhưng tiết lộ sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; khoảng 45% tổng số lao động trong các doanh nghiệp đã mất việc do dịch.

Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch BIFA, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (MIFACO) cho biết trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp ngành gỗ chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc cố gắng tồn tại và chuẩn bị kỹ để khi bệnh dịch qua đi có thể tăng tốc trở lại, hoặc đóng cửa và tuyên bố phá sản. Điều hiển nhiên là chẳng doanh nghiệp nào muốn phá sản nên tất cả đều phải cố gắng tìm mọi cách để tồn tại qua cơn khốn khó. Một số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm của mình nhằm sản xuất ra các sản phẩm lấp chỗ trống thị trường trong nước. Điển hình như Công ty TNHH Hoàng Phát (làng nghề Hữu Bằng – Thạch Thất – Hà Nội) đang nghiên cứu sản xuất các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… để cung ứng cho thị trường nội địa, đồng thời tạo công việc cho lao động trong bối cảnh khó khăn. Trước đó các mặt hàng này thường được Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, một số doanh nghiệp gỗ tranh thủ cơ hội trong giai đoạn giảm quy mô hoạt động để tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất.  “Trước khi dịch xảy ra, MIFACO hoạt động hết công suất, thậm chí liên tục tăng ca, hầu như không nghỉ. Đây là thời điểm tốt để chúng tôi nhìn nhận lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tìm ra các khía cạnh, các khâu chưa hiệu quả, từ đó đưa ra phương án cải thiện để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động sau dịch” – ông Hiệp nhấn mạnh.

Tìm hướng đi mới cũng như có các thay đổi căn bản

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Viforest cho biết trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ phải thu hẹp quy mô sản xuất thì vẫn có một số doanh nghiệp hoạt động bình thường, đơn hàng ổn định. Lý do là các doanh nghiệp này tập trung sản xuất các dòng sản phẩm có độ ổn định lớn về đầu ra, tại các thị trường trọng điểm.

Cũng theo ông Lập, hiện cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam đang sai. Sai là bởi toàn ngành đang tập trung sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và nhu cầu không tăng cao trong tương lai. Cụ thể nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới, phần 40% còn lại là các nhóm đồ gỗ khác như đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời…”Về lâu dài, doanh nghiệp cần phải xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Dòng sản phẩm chiến lược là các sản phẩm có nhu cầu lớn, có độ ổn định cao và cầu liên tục mở rộng. Thị trường chiến lược là thị trường chiếm thị phần lớn, có độ ổn định cao và cầu luôn tăng, ví dụ như thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc” – Chủ tịch Viforest khuyến nghị.

Còn theo ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích tài chính thuộc Tổ chức Forest Trends, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 12 tỷ USD. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu rõ ràng cho thấy đại dịch Covid-19 sẽ làm sụp đổ kỳ vọng này. Dĩ nhiên dịch bệnh rồi cũng đi qua song một điều chắc chắn rằng sự vận hành của ngành gỗ sẽ không thể duy trì theo cách trước khi dịch xảy ra. Vì vậy, ngành gỗ cần tìm hướng đi mới cũng như có các thay đổi căn bản để phát triển bền vững. Các thay đổi này liên quan tới việc xác định các dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, hình thành phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, thay đổi phương thức bán hàng truyền thống và phát triển thị trường nội địa. Thực hiện được các thay đổi cần có sự ưu tiên và tập trung nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Minh Phượng