Hậu Cocobay Đà Nẵng, Bộ Xây dựng cho biết sẽ sớm ban hành Quy chuẩn tiêu chuẩn về condotel, officetel

Vụ Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của công chúng. Đó là lý do các chuyên gia địa ốc dành nhiều thời gian mổ xẻ, phân tích các vấn đề liên quan đến thị trường condotel tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề condotel, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết đã có nhiều nhà đầu tư vướng trong câu chuyện đầu tư condotel dẫn đến rủi ro, là hậu quả tại thời điểm tham gia đầu tư thì cả chủ đầu tư và nhà đầu tư đều chưa chưa xác định rõ condotel là cái gì. Có tình trạng nhà đầu tư coi đó là nhà ở nên nhiều người đầu tư nhảy vào vì giá rẻ hơn nhà ở. Đến thời điểm hiện tại, khi xác định rõ condotel không phải nhà ở mà là cơ sở lưu trú du lịch đã dẫn đến những điều chỉnh nhịp độ thị trường condotel. Đối với loại hình condotel đang phát triển nóng tại Việt Nam, hiện có 3 vấn đề vướng mắc gồm: chế độ sử dụng đất; quy định về công nhận quyền sở hữu; quản lý vận hành với condotel. Ngoài ra còn có vấn đề về thỏa thuận lợi nhuận, cam kết của chủ đầu tư với khách hàng.

Xoay quanh vụ Cocobay Đà Nẵng phá vỡ cam kết lợi nhuận với khách hàng, ông Khởi cho biết Bộ Xây dựng đã rất khẩn trương tổng hợp các vấn đề vướng mắc và chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho 3 Bộ, trong đó Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ quan trọng là ban hành Quy chuẩn tiêu chuẩn về condotel, officetel. Hiện chúng tôi đang soạn thảo nghiên cứu và sẽ sớm ban hành quy chuẩn này. Ngoài Bộ Xây dựng, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ ban hành Quy chế quản lý kinh doanh condotel cho Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế sử dụng đất của condotel” – ông Khởi cho hay.

Ở một góc độ khác, các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn cho biết để một dự án bất động sản triển khai và đưa vào vận hành trơn tru là cả một quá trình với vô số những rủi ro tiềm ẩn; chỉ một rủi ro thôi cũng có thể khiến dự án gặp khó khăn, thậm chí dừng hoạt động. Do vậy với loại hình condotel, các chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần giải thích rõ tại sao các chính sách cho loại hình sản phẩm này lại kéo dài như vậy.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng liên quan đến condotel có 3 khía cạnh cần bàn. Một là những rủi ro với người mua, hai là các vấn đề pháp lý và thứ ba là nguồn cầu phụ thuộc vào cái gì. Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam cho biết trên phương diện quản lý, luật pháp không cấm cam kết lợi nhuận vì đây là thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng, người thuê và cho thuê. Tuy nhiên các chủ đầu tư condotel vẫn đánh vào “lòng tham” và sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp cũng than phiền về cách thu hút nhà đầu tư của các chủ dự án condotel là cạnh tranh không lành mạnh.

Cũng theo ông Nam, sau vụ Cocobay Đà Nẵng phá vỡ cam kết lợi nhuận với khách hàng, VNREA và Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã có gửi phát ngôn đến các cơ quan truyền thông. Về câu chuyện làm thế nào để các nhà đầu tư biết được mình nên đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng, condotel nào, sắp tới VNREA sẽ thành lập Viện nghiên cứu bất động sản để phối hợp và tiếp tục đưa ra những thông tin thị trường hữu ích nhất để giúp các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Minh Phượng