Hàng Việt và triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2021 cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,7 tỷ USD; tính chung 7 tháng đầu năm cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD). Như vậy, đây là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam ghi nhận nhập siêu.

Tăng trưởng trong gian khó
Trong tháng 7/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%.
Từ đầu năm đến nay cả nước có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%); trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước Tiếp đến, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD, tăng 16,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,7 tỷ USD, tăng 55,4%; hàng dệt may đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1%; giày dép đạt 12,1 tỷ USD, tăng 27,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 53,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,5 tỷ USD, tăng 48,5%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, hầu hết các nhóm hàng đều có sự tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong 7 tháng qua, trong đó: nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,87 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 164,89 tỷ USD, tăng 27,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 13,65 tỷ USD, tăng 16,7%; nhóm hàng thủy sản đạt 4,92 tỷ USD, tăng 12%.
Về thị trường, xuất khẩu tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,7 tỷ USD, EU đạt 22,5 tỷ USD, ASEAN đạt 16,1 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 12 tỷ USD, Nhật Bản đạt 11,7 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, cả nước có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu tập trung mạnh vào nhóm hàng tư liệu sản xuất như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên, nhiên, vật.
Về thị trường, trong 7 tháng qua Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước; theo sau là thị trường Hàn Quốc đạt 29,7 tỷ USD, ASEAN đạt 24,7 tỷ USD, Nhật Bản đạt 12,6 tỷ USD, EU đạt 9,7 tỷ USD, Hoa Kỳ đạt 8,9 tỷ USD.
Thuận lợi đan xen thách thức
Nhìn chung trong 7 tháng qua hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng cũng như ở hầu hết các thị trường lớn. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được, bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng còn lại của năm được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức.
Thách thức lớn nhất đến từ dịch bệnh Covid – 19 khi tốc độ kiểm soát dịch bệnh được xem là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn như: Ðức, Pháp hay Italia,… tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực trước sự lây lan của bệnh dịch. Diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong khi đó, chi phí đầu vào như: logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Về mặt thuận lợi, ngày 24/7/2021 vừa qua Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận xoay quanh vụ điều tra chính sách tiền tệ của Việt Nam theo điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ 1974. Thông báo của USTR nêu rõ Việt Nam và Mỹ đã cùng thảo luận và có những giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đang được điều tra; do đó USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là tin vui bởi Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất của hàng Việt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các FTA song phương và đa phương, trong đó các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKFTA… kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại còn đến từ các điều kiện thuận lợi như: giá hàng hóa xuất khẩu đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin; nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang dần hồi phục trở lại; nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… .
Nhằm động hành hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản nhằm thâm nhập các thị trường mới. Đơn cử nằm trong chuỗi nỗ lực phổ biến lợi ích của FTAs đến các doanh nghiệp và các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, Hội thảo “Hiểu về FTAs để tiếp cận thị trường EU và Vương quốc Anh – Những cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Singapore và Việt Nam” là sự kiện thứ ba Thương vụ Việt Nam tại Singapore tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore và các doanh nghiệp đa quốc gia đóng tại Singapore.Được tổ chức với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 28/8/2021 với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về FTAs của Việt Nam, Singapore và thế giới. Dự kiến ít nhất 200 doanh nghiệp của hai nước sẽ tham gia hội thảo và hoạt động kết nối giao thương sau Hội thảo.
Ngoài ra Bộ Công Thương cũng sẽ bám sát tình hình của từng thị trường để xác định các chủng loại hàng hóa trong nước có thể đáp ứng gắn với đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục sau đại dịch; củng cố, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đồng thời tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn (công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo) để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.
Tùng Anh