Hai Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua
Chiều 12/2, tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Kết quả 2 Hiệp định quan trọng này đã chính thức được thông qua với tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống, 40 phiếu trắng; tỉ lệ bỏ phiếu cho EVIPA là 407 phiếu thuận, 188 phiếu chống, 53 phiếu trắng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của EU và Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất hơn, từ đó tiếp tục tạo nên những kết quả nổi bật hơn trong hợp tác nhiều mặt, toàn diện. Đây cũng là điểm nhấn tích cực trong khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam và EU đã có nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU. Điều này cho thấy EU đánh giá rất cao Việt Nam và tin tưởng Việt Nam sẽ là một đối tác quan trọng, toàn diện của EU không chỉ trong các hoạt động hội nhập quốc tế mà còn trong lĩnh vực hợp tác kinh tế; không chỉ riêng tại khu vực Đông Nam Á mà là toàn châu Á và toàn cầu.
Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Trong tiến trình phê chuẩn 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA, về thủ tục nội bộ của EU, sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hiệp định EVFTA cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Còn Hiệp định EVIPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.
Về phía Việt Nam, sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua, EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Chính vì vậy Chính phủ đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA sớm được Quốc hội phê chuẩn.
Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành. Cụ thể Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Toàn bộ văn kiện Hiệp định cũng như tóm tắt và giải thích nội dung cam kết của các lĩnh vực quan trọng trong Hiệp định được đăng tải trên website: evfta.moit.gov.vn. Ngoài ra trang web này cũng cập nhật thông tin về tình hình phê chuẩn Hiệp định, các thông tin cho nhà xuất khẩu sang thị trường EU, kế hoạch hành động của Chính phủ và các Bộ, ngành, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới để thực thi Hiệp định.
Minh Phượng