Grab dẫn đầu thị trường giao đồ ăn tại TP.HCM
Sau hơn nửa năm hoạt động, đại diện GrabFood cho biết đang dẫn đầu thị trường giao đồ ăn TP.HCM về số lượng người dùng thường xuyên cũng như sự hài lòng của khách hàng.
Grab vừa thông báo dịch vụ giao đồ ăn GrabFood đang đứng vị trí số 1 tại thị trường TP.HCM vào ngày 23/1.
Đơn vị này dẫn lại khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS vào tháng 11/2018 cho biết 54% người dùng được hỏi chọn GrabFood là thương hiệu được sử dụng thường xuyên nhất trong số các dịch vụ giao nhận thức ăn tại TP.HCM.
Cũng theo công bố của một đơn vị nghiên cứu thị trường khác là GCOMM, GrabFood đang nhỉnh hơn hai đối thủ chính là Now của Foody và Go-Food của Go-Viet về mức độ hài lòng của người tiêu dùng. Điểm số về mức độ hài lòng nói chung trên thang 5 của 3 ứng dụng này lần lượt là 4,46; 4,31 và 4,1.
Trong đó, đơn vị này cạnh tranh hơn ở tốc độ giao hàng với điểm số về mức độ hài lòng là 4,37 trong khi với Now là 4,16 và Go-Food là 3,89.
Bà Demi Yu, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ứng dụng giao đồ ăn này, cho biết đã rút thời gian giao hàng trung bình cho các đơn hàng khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội xuống còn khoảng 20 phút.
Bà Demi Yu, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của GrabFood trả lời báo giới tại TP.HCM.
Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu trong 3 tháng cuối năm 2018 của hệ thống lắng nghe mạng xã hội SMCC, ứng dụng Now lại vượt trội các đối thủ về số lượt thảo luận trên mạng xã hội với hơn 25.000 lượt đề cập. GrabFood và Go-Food đứng thứ ba và thứ tư với 6.000 và 5.600 lượt. Vị trí thứ hai bất ngờ thuộc về Loship của Lozi với 6.800 lượt.
Dữ liệu của SMCC cũng như phản hồi của người dùng trên kho ứng dụng Google Play cho thấy đa số phàn nàn của khách hàng trên mạng xã hội liên quan vấn đề bị hủy đơn hàng.
“Trong lĩnh vực giao đồ ăn, hai yếu tố cốt lõi là tốc độ giao hàng và độ tin cậy. Grab sẽ sớm triển khai dịch vụ tích hợp để các nhà hàng đối tác sử dụng ứng dụng quản lý bán hàng của chúng tôi. Tất cả nhằm mục đích giúp người dùng nhận hàng nhanh và tiện nhất”, Giám đốc khu vực GrabFood trả lời báo chí.
Theo đánh giá của Euromonitor, quy mô thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD năm 2018 và đến năm 2020 sẽ tăng lên 38 triệu USD.
Trong khi đó, theo Statista, doanh thu thị trường giao đồ ăn Việt Nam năm 2018 là 143 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm. Doanh thu năm 2023 ước tính có thể lên tới 411 triệu USD.
Còn GCOMM cũng cho biết 99% người tham gia khảo sát của mình sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn 2-3 lần mỗi tháng và có đến 39% trong số này đặt món trực tuyến 2-3 lần mỗi tuần.
Với tiềm năng khổng lồ nói trên, không khó hiểu khi thị trường giao đồ ăn đang chật chội với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Đặc biệt, kể từ khi GrabFood chính thức vận hành vào tháng 6 và sau đó là sự có mặt Go-Food từ tháng 11, nhiều ứng dụng liên tục “đốt tiền” cho các chương trình khuyến mãi. Nhờ việc chào sân bằng hàng loạt ưu đãi “khủng”, ứng dụng đặt món của Go-Viet cũng đã lọt vào top 3 cái tên nổi bật nhất thị trường sau chưa đầy 3 tháng.
Tuy nhiên, việc Lala, nền tảng có cùng công ty mẹ với Giao Hàng Nhanh và Ahamove, những đơn vị dạn dày kinh nghiệm về giao nhận, phải dừng hoạt động cuối năm 2018 chứng tỏ “miếng bánh” giao đồ ăn hàng chục triệu USD tại Việt Nam không hề “dễ nuốt”.
Minh Đường