“Gót chân Asin” của doanh nghiệp Việt khi vào CPTPP
Thực tế cho thấy nhiều ngành được đánh giá là có lợi thế lớn khi tham gia CPTPP đang rất khó tận dụng cơ hội xuất khẩu bởi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt có nguy cơ thua trên chính “sân nhà” do sản phẩm không thể cạnh tranh về giá, chất lượng…
Ngành dệt may có cơ hội lớn tăng xuất khẩu nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Những khó khăn này không mới nhưng đến giờ vẫn chưa thể giải quyết, dù ngày 14/1 vừa qua, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Minh chứng rõ nét nhất khi nói tới tác động của CPTPP là hai ngành dệt may và nông nghiệp.
Nút thắt nguồn gốc xuất xứ
Trong những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam hiện nay, ngành hàng nào được dự báo sẽ gặp khó khăn nhất hoặc chịu tác động lớn nhất vì những quy định xuất xứ hàng hóa? Bà Bùi Kim Thùy, thành viên Đoàn đàm phán CPTPP của Việt Nam, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN tại Việt Nam cho rằng đó chính là ngành dệt may.
Từ góc độ kỹ thuật, CPTPP là hiệp định duy nhất Việt Nam tham gia có chương dệt may đứng riêng mà không chung với bất cứ chương nào khác, chưa bao giờ ngành này được ưu ái như vậy. Đặc biệt, trong tổng các chương, ngành dệt may có ở chương 50 – 63 là các nhóm hàng phổ biến nhất và được đứng riêng, không bị ghép chung với các chương khác.
Tuy nhiên, CPTPP là một hiệp định thương mại (FTA) toàn diện. Những đàm phán về thuế liên quan chặt chẽ đến cam kết quy tắc xuất xứ. Chỉ khi vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang các thị trường mới được hưởng mức ưu thuế ưu đãi.
Trong khi đó, nhìn lại ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết Việt Nam đứng thứ ba các nước XK dệt may lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, “nút thắt” lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là phải nhập rất nhiều bông (khoảng 3 tỷ USD), vải (trên 12 tỷ USD) và nguyên phụ liệu (trên 3,6 tỷ USD), chủ yếu là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2015-2017, Việt Nam phải nhập gần 99% bông, 80% vải…
Đi cụ thể vào điểm nghẽn nguyên phụ liệu, ông Cẩm cho rằng đó là vải – lĩnh vực mà ngành dệt may đang rất yếu. Tuy đã tìm mọi cách đưa ra giải pháp cho khâu vải nhưng mức độ thành công chưa được như mong muốn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho biết năm ngoái, Viện Chiến lược Phát triển đã tiến hành đánh giá hàng trăm doanh nghiệp (DN), đồng thời tham gia thảo luận để tìm ra những khó khăn đang gặp phải, trong đó các DN ngành dệt may vướng nhất là sản xuất vải, mà mấu chốt là khâu in, nhuộm.
“Tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, DN lớn đều xây dựng chuỗi cung ứng, khu công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Khi tập trung về một khu vực, các DN sẽ dễ dàng xử lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các DN chỉ tập trung vào một khâu, còn khâu sản xuất vải sẽ được lấy từ các DN vừa và nhỏ ở các khu vực khác. Việt Nam cần nghiên cứu điều này”, ông Sơn khuyến nghị.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng một phần chính sách phát triển đang có vấn đề, những mảng cần ưu đãi nhiều lại không có. Các DN Việt Nam chưa tiếp cận được các DN sản xuất vải lớn trong nước, dẫn đến phải nhập khẩu đến 12,8 tỷ USD vải mỗi năm.
Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách để DN tiếp cận đất đai dễ dàng hơn. Nhiều nơi có thể phát triển mô hình này, nhưng các tỉnh hiện nay mới nhận thức có mức độ, 80-90% “nói không” với dệt nhuộm bởi lo ngại ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, vấn đề thu hút nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế bởi các trường đại học ít đào tạo ngành này, các ngành cũng chưa có chính sách để thu hút sinh viên.
Ông Sơn dẫn chứng về một nhà máy dệt ở khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định) mới khánh thành có công suất lên đến 3 triệu mét mỗi năm do không có nguồn nhân lực nên phải thuê lao động từ nước ngoài nhưng vẫn không đạt yêu cầu. Vì vậy, Việt Nam nên hợp tác với các nước có thế mạnh để hỗ trợ nhau đào tạo nhân lực.
Hơn nữa, thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng là vấn đề nhức nhối của nhiều DN. Các DN nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế nhưng các công ty trong nước cung ứng cho nhau lại phải chịu thuế VAT.
Áp lực cạnh tranh trên sân nhà
Không riêng dệt may, đánh giá về năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi khi vào CPTPP, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam, cho biết các nước trong CPTPP có thế mạnh về chăn nuôi như New Zealand, Mexico… có thương hiệu, quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng cao. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có khoảng 15% sản phẩm của ngành chăn nuôi có thể XK.
Khi CPTPP có hiệu lực, ngành chăn nuôi có thể sẽ ổn định trong thời gian ngắn nhưng lâu dài sẽ có nguy cơ cạnh tranh cao khi người dân quen dần với đồ ăn lạnh. Ông Trí đánh giá: “Rõ ràng là năng lực sản xuất và tiêu thụ của chúng ta có nhưng năng lực cạnh tranh chưa đủ lớn”.
Trong đó, phải kể tới giá thành chưa cạnh tranh. Nguyên nhân trước hết là do nguyên liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu, nguồn giống chưa có năng suất cao, hệ thống quản lý trang trại chưa tối ưu…
Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm lợn, bò, gà… có thể XK sang các nước phát triển không cao. Tổng cộng Việt Nam có hơn 400 triệu gia súc, gia cầm nhưng hầu hết đến từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Nhìn rộng toàn ngành nông nghiệp, ông Đỗ Văn Huệ, Ủy viên thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Thời gian qua, ngành này mới tháo gỡ được phần nào về vùng nguyên liệu, nay mới đến phần chế biến. Nếu nông nghiệp Việt Nam vẫn còn áp dụng công nghệ cũ thì khó có thể nâng cao XK.
Cùng với đó, đa số các DN nông nghiệp vẫn chưa chủ động được thị trường mà đang chờ khách hàng nước ngoài đến đặt hàng. Ngành nông nghiệp vẫn đang sản xuất những cái mình có chứ chưa phải đáp ứng sát sườn những sản phẩm mà các thị trường nhập khẩu lớn đang cần.
Từ khó khăn của hai ngành dệt may và nông nghiệp, bà Bùi Kim Thùy cho rằng không thể một sớm một chiều biến nông dân thành doanh nhân và tư duy như những doanh nhân thực sự.
Đơn cử, trước khi đàm phán về CPTPP, các Bộ có phát ra phiếu xin ý kiến nhưng chỉ thu lại 10% ý kiến chất lượng, nhiều DN còn không biết viết vào phiếu khảo sát đó như thế nào, cho thấy DN Việt chưa chủ động. Hiện vẫn chưa có nhiều DN có sự tương tác tốt đối với khu vực công.
Về chính quyền địa phương, bà Thùy kể về lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về CPTPP, khi nói đến ngành dệt may, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang rất tiếc vì đã không cấp phép cho các DN dệt may do không hiểu các điều luật của CPTPP.
Vì vậy, muốn tận dụng và vượt qua được các thách thức trong CPTPP, các DN phải hiểu về CPTPP, nắm kỹ thông tin về ngành, từ đó biết mình là ai, có thế mạnh gì và thị trường trong CPTPP có đặc điểm gì để “đánh” đúng thị trường. Bên cạnh đó, DN rất cần sự đồng hành hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương.
Minh Đường