Gỡ rào cản trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia
Thương mại nông sản Việt Nam – Australia có xu hướng tăng trưởng cao cho thấy xứ sở Kangaroo là thị trường vô cùng tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng đồng thời là thị trường rất khó chinh phục bởi những yêu cầu vô cùng khắt khe về nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm….
Tiềm năng nhiều, khó khăn không ít
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 845 triệu USD. Lũy kế giai đoạn 2009 – 2022, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 9%/năm; trong đó mặt hàng thuỷ sản đạt mức tăng trưởng cao nhất, đứng thứ hai là các mặt hàng rau quả. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số sản phẩm như hạt điều, tiêu, cà phê, gỗ có sự sụt giảm nhẹ…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều nông sản từ Australia với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam từ Australia năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD. Lũy kế giai đoạn 2009 – 2022, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt bình quân 32,6%/năm; trong đó lúa mì và bông là mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao nhất. Riêng trong năm 2022 vừa qua tác động từ cuộc chiến Nga – Ukraina đã đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến. Các mặt hàng nhập khẩu tăng ổn định có thể kể đến sữa, trái cây…
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam – Australia trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)”, ông Vũ Huy Phúc – Phó trưởng bộ môn nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết Australia là thị trường vô cùng tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng đồng thời là thị trường rất khó chinh phục bởi các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần lưu ý các quy định về nhập khẩu như: chính sách thuế và thuế suất; quy định về bao bì, nhãn mác; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch; quyền sở hữu trí tuệ; thương hiệu; tập quán kinh doanh,… “Thông thường hải quan sẽ thu phí xử lý hàng hoá dưới 200 AUD. Thuế hàng hoá và dịch vụ (GST) được tính bằng 10% tổng giá trị của hàng hoá, cộng với thuế nhập khẩu, cộng với phí bảo hiểm và vận chuyển đến Australia. Riêng thuế nhập khẩu vào khoảng 0-10% nhưng chủ yếu 5%. Về quy định bao bì, nhãn mác, Đạo luật Thương mại 1905 quy định một số mặt hàng không thể nhập khẩu trừ khi chúng được dán nhãn chính xác với mô tả thương mại được yêu cầu (mô tả đúng về hàng hoá bằng tiếng Anh). Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng năm 2010 cấm việc đưa ra các tuyên bố sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về nơi xuất xứ của hàng hoá” – ông Phúc lưu ý.
Chủ động gỡ nút thắt
Tỷ lệ thuận với nhu cầu lớn của người dân Australia đối với các sản phẩm Việt Nam (trái cây, gia vị…), thương mại nông sản giữa Việt Nam và Australia ngày càng có xu hướng tăng trưởng cao, cơ cấu hàng nông sản Việt xuất sang Australia cũng có sự chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến, chất lượng hàng nông sản của Việt Nam tại thị trường Australia đang được cải thiện tích cực.
Thêm một thuận lợi nữa là cộng đồng người Việt tại Australia rất lớn; Việt Nam và Australia đều là thành viên của nhiều FTA song phương lẫn đa phương. Đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Australia và chinh phục thị trường tiềm năng này.
Tuy nhiên bên cạnh những điều kiện thuận lợi, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Australia cũng đối mặt với không ít rào cản: việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp Việt về thị trường này còn yếu; quy mô sản xuất nông sản của Việt Nam chủ yếu nhỏ lẻ, khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm còn hạn chế trong khi Australia yêu cầu rất cao về mặt chất lượng; nông sản Việt chưa chú trọng vào thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối của Australia; sự đa dạng mặt hàng nông sản Việt trên thị trường Australia chưa nhiều; năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến, bảo quản của doanh nghiệp Việt còn hạn chế… Chưa kể nông sản Việt còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác thương mại khác của Australia như Mỹ, Trung Quốc, New Zealand, Thái Lan…
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Australia, bên cạnh việc tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản nói chung – trái cây Việt nói riêng, ông Phúc cho rằng các cơ quan chức năng Việt Nam cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản xuất khẩu sang Australia. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước gắn với thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng, Trường Đại học kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết hiện nay các hiểu biết về cam kết trong các FTAs của doanh nghiệp và nông dân Việt Nam còn khá sơ sài. Do đó để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia, các cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin về các FTAs và lợi ích ngoài thuế quan của các FTAs. Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin về thị trường Australia, việc này không chỉ hướng đến các nhà xuất khẩu và chế biến nông sản mà cần hướng tới cả những người trồng nông sản. Về phía các doanh nghiệp, cần chú ý hơn đến các sản phẩm nông sản đông lạnh và nghiên cứu để xuất khẩu các sản phẩm trái cây đông lạnh vì đây là những sản phẩm không bị ràng buộc bởi giấy phép xuất khẩu….
Mai Anh