Gỡ nút thắt xuất khẩu sang Trung Quốc: Chú trọng đa dạng hóa thị trường, chuyển mạnh sang chính ngạch

Sau Lạng Sơn, hàng hóa tiếp tục ùn ứ ở cửa khẩu Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh khi chính quyền Tp.Đông Hưng (Trung Quốc) phát đi thông báo sẽ tạm dừng thông quan nhân sự và hàng hóa tại cửa khẩu Đông Hưng (bao gồm cả khu thương mại qua biên giới)

Dòng xe vẫn chờ chưa biết khi nào thông quan – Ảnh: NAM TRẦN

Theo lãnh đạo Tp.Móng Cái, do phía Trung Quốc tiếp tục triển khai chính sách “Zero Covid-19” nên thực hiện siết chặt công tác kiểm soát hàng hóa, nhất là hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu. Đây cũng chính là nguyên nhân kéo tốc độ thông quan hàng hóa giảm xuống chỉ còn 40-50% so với ngày thường.

Thống kê của Chi cục Hải quan Móng Cái cho thấy tính đến hết ngày 22/12/2021, tại cửa khẩu Bắc Luân II còn 346 xe hàng tồn; tại km3+4 còn 1.258 xe hàng tồn. Ông Hoàng Khánh Duy – Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết do phía Trung Quốc đang triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 nên hiện tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) vẫn đang trong tình trạng ngừng thông quan và chỉ hoạt động trở lại khi đảm bảo an toàn. Về phía cửa khẩu Chi Ma dù đã hoạt động trở lại từ ngày 22/12 song năng lực thông qua của cửa khẩu này vẫn không cao so với các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị. 

Trước tình hình trên, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã có cuộc hội đàm với phía Trung Quốc vào ngày 21/12 để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra để chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch, phía Việt Nam cũng đã thực hiện khảo sát, lắp đặt thêm trạm khử khuẩn. “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức có thể để nối lại hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh trong thời gian sớm nhất để giảm tải ùn ứ cho nông sản hàng hóa, giảm bớt nỗi lo đang đè nặng lên vai doanh nghiệp” – ông Duy nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, tình trạng ùn ứ nông sản Việt Nam ở các cửa khẩu Trung Quốc đã xảy ra nhiều lần do nhiều nguyên nhân khác nhau song lần này có lẽ là khó khăn nhất. Qua đó cũng đồng thời cho thấy để gỡ “nút thắt” ùn ứ nông sản cần giải pháp mang tính tổng thể, triệt để chứ không thể dừng lại ở từng sự vụ, sự việc.

Đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên thị phần càng cao thì tính phụ thuộc vào thị trường càng lớn, nhất là trước những yếu tố mang tính biến động như: đổi thay về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về kiểm dịch, thông quan, phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh, các quy định về kiểm định hàng hóa thông quan cửa khẩu lại càng thắt chặt hơn khiến thời gian thông qua cũng kéo dài hơn. Trong khi đó nước ta vẫn đang trong thế bị động vì thiếu hệ thống hạ tầng hỗ trợ như kho bãi.

Để khắc phục những bất cập trên, trong đề án Bộ NN&PTNT đang dự thảo cũng dành ưu tiên cho đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)… “Riêng với thị trường Trung Quốc, chúng ta cũng sẽ có đề án riêng, trong đó tập trung đàm phán mở rộng cho các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics ở các cửa khẩu (kho trữ lạnh, chế biến, đóng gói, bao bì nhãn hiệu…). Đồng thời chú trọng tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro sang xuất khẩu chính ngạch” – ông Hoan thông tin.

Huy Hoàng