Giữa bão dịch, các “ông lớn” ngành F&B nỗ lực sống sót ra sao?
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, hàng loạt doanh nghiệp có tiếng trong ngành F&B đã phải đóng cửa, thu hẹp quy mô hoạt động, điển hình như: Tokyo Deli, chuỗi nhà hàng Nhật Bản Daruma, chuỗi cửa hàng đậu nành chuẩn hữu cơ Soya Garden…
Theo ông Hoàng Tùng – CEO Pizza Home, cũng là nhà sáng lập “bếp trên mây” FoodHome, Covid-19 đã thanh lọc rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực F&B và bản thân Pizza Home cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. “Thời điểm trước Covid, tôi cũng như nhiều anh em kinh doanh F&B khác thích “làm to”, địa điểm phải “hoành tráng”. Rồi khi Covid ập đến, tôi chợt nhận ra những mặt bằng quy mô, đẹp, nhiều khi lại là gánh nặng. Có nhiều địa điểm mình cố gắng thuê mặt bằng đẹp, hoặc có nhiều địa điểm trước Covid đã không tốt, mà mình cứ cố giữ, giữ “lấy số” cho quy mô hệ thống, lấy điểm lãi nuôi điểm lỗ, mà nhiều khi cố giữ vì sĩ diện. Covid xảy ra khiến cho mình “sống thật” hơn và cũng thuê được những mặt bằng tốt hơn. Thực tế thời gian qua số cửa hàng Pizza Home đóng nhiều hơn mở, điều quan trọng là chất lượng từng điểm bán đã được nâng lên hơn trước rất nhiều” – ông Tùng chia sẻ.
Còn với Golden Gate – “ông trùm” của chuỗi Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi-Kichi, Gogi House; để sống sót qua Covid – 19, ngay đầu dịch đợt 1, Golden Gate đã nâng cấp app The Golden Spoon và xuất hiện với tầng suất dày đặc trên các app Now, Baemin, GrabFood, đặc biệt là công nghệ giao hàng “nhà làm” G-Delivery.
Theo ghi nhận của ông Hoàng Tùng, việc dịch chuyển lên online của Golden Gate khá nhanh chóng và cũng rất thành công khi “ông lớn” này hoàn thiện rất nhanh các sản phẩm package (đóng gói món ăn phục vụ việc dịch chuyển lên online) và triển khai chương trình bán thẻ trả trước để khách hàng có thể sử dụng trong cả năm. Đây được xem là bước đi chiến lược, là biện pháp bổ trợ cho dòng tiền rất hay khi có thể thu tiền trước, bán hàng sau mà không phải doanh nghiệp F&B nào cũng làm được.
Còn với Cuốn and Rolls, tận dụng lợi thế trang trại tự cung nguồn rau xanh, chuỗi nhà hàng này vừa đẩy mạnh hình thức bán đồ ăn offline, online vừa đưa ra sản phẩm mới là combo rau với giá 200.000 đồng/6kg rau tự chọn và các gói nước lẩu. “Không chỉ riêng Việt Nam mà ngành F&B toàn cầu đều lao đao vì Covid-19. Tuy nhiên những ông lớn với những khoản tài chính tích lũy đã lâu cũng đã nhanh chóng tìm cho mình cách thích nghi hữu hiệu” – ông Tùng chia sẻ.
Cũng theo CEO Pizza Home, sức mua của thị trường Việt Nam rất tốt. Dù Covid-19 xảy ra, chỉ cần dịch được kiểm soát là mọi người lại đi du lịch, ăn uống như lúc chưa có dịch. “Trước khi Covid lần 2 quay lại, một số anh em mảng F&B đã chia sẻ mảng kinh doanh của họ hồi tới 80% – 90%. Sóng Covid đợt 2, đợt 3 cũng khó khăn hơn và trên thực tế những người trụ được đến thời điểm này đều có nội lực, nhất là các ông lớn, họ không chỉ có nội lực mà còn có chiến lược đúng đắn và tầm nhìn dài hạn” – CEO Pizza Home nhận định.
Trong tương lai, thị trường F&B sẽ duy trì 2 xu hướng: Trải nghiệm và Tiện lợi. Với xu hướng Trải nghiệm, các thương hiệu hướng tới mục tiêu xây thật nhiều điểm chạm trải nghiệm cho khách hàng. Nổi bật cho xu hướng này có thể kể đến: Pizza 4P’s, lẩu Haidilao với màn múa mì trứ danh…, chú trọng vào việc xây dựng trải nghiệm xung quanh sản phẩm lõi. Tuy nhiên theo ông Tùng, xu hướng này đòi hỏi người làm phải rất đam mê, giỏi nghề và có nguồn lực tài chính vững vàng bởi nếu thua cũng sẽ thua “rất đau”.
Còn Tiện lợi vốn gắn liền với hành vi mua hàng của khách hàng trên các ứng dụng giao hàng online và đây cũng chính là xu hướng dẫn đầu hiện nay với tốc độ tăng trưởng mạnh. Các khách hàng của xu hướng Tiện lợi thường không quan tâm đến điểm chạm, chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng và yêu cầu kèm theo là sản phẩm phải ngon, bổ rẻ, giao nhanh. Theo thống kê từ Statista, năm 2024 dự kiến doanh thu thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến tại Việt Nam sẽ đạt mức 557 triệu USD.
Hải Phạm