Giật mình khi thương hiệu, siêu thị lớn bị nước ngoài thôn tính
Ngày 2/8, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động, nhằm đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới.
“Hội nhập quốc tế, nhưng làm sao người Việt Nam phải chiếm lĩnh thị trường bán lẻ. Người nước ngoài vào phải có điều kiện”, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu. Đặc biệt, các doanh nghiệp, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng, nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối.
“Hàng Việt Nam phát triển tăng niềm tự hào cho người Việt Nam. Bây giờ ra nước ngoài vào siêu thị lớn, bên cạnh nhãn hàng lớn có uy tín, thấy hàng ‘Made in Việt Nam’ thì tự hào vô cùng”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì Hội nghị.
Dù đạt được nhiều kết quả, việc triển khai còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành các cấp chưa quan tâm đúng mức triển khai cuộc vận động. Ban chỉ đạo địa phương chưa chủ động tham mưu cấp ủy thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cuộc vận động này.
Trong đó, ông Vượng nói điều tra xã hội học cho thấy điều đáng buồn là vai trò của cơ quan tổ chức với cuộc vận động này ngày càng giảm đi. Ngay cả MTTQ là cơ quan chủ trì nhưng cũng giảm. “Đáng lẽ phải tăng lên chứ cứ thế này thì gay go quá”, ông Vượng nói.
Bên cạnh đó, ông đánh giá vai trò các hiệp hội, ngành nghề trong thực hiện cuộc vận động chưa cao. Một số chương trình quảng cáo hàng Việt trên báo chí chưa bảo đảm định hướng.
Thường trực Ban Bí thư cũng nhắc đến việc có những bài báo, do nguyên nhân khác nhau “đánh thẳng vào mặt hàng truyền thống của người Việt” và yêu cầu không được để tái diễn.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá công tác quản lý Nhà nước của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa thường xuyên. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra ở nhiều nơi. “Đây là vấn đề rất nhức nhối, đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất của người Việt Nam”, ông Vượng nhấn mạnh.
Theo ông, không thể để có chuyện thực phẩm chức năng sản xuất từ than củi, vì ngoài thiệt hại về tiền, còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nhận định về việc này, ông Vượng cho rằng có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy, các ngành quản lý ở cơ sở. “Tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở. Hàng người ta sản xuất mấy năm liền, tại địa bàn dân cư như thế mà không biết được là làm sao?”, Thường trực Ban Bí thư đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư lưu ý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước, vi phạm xuất xứ hàng hóa, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và niềm tin người tiêu dùng…
“Thị trường trong nước chúng ta rất lớn vì đất nước ta có tới gần 100 triệu dân, khâu bán lẻ phải hết sức chú ý. Chúng tôi nhiều lúc thấy thông tin rất giật mình là hầu như các thương hiệu, siêu thị lớn trong nước đều người nước ngoài thôn tính. Dĩ nhiên hội nhập quốc tế, nhưng làm sao người Việt Nam phải chiếm lĩnh được thị trường bán lẻ. Nếu người nước ngoài vào đây phải có điều kiện”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học – công nghệ, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện như an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Minh Vương