Giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu, chặn đà suy giảm kinh tế

Đây là ý kiến của các chuyên gia trước tình trạng giá xăng dầu tăng chóng mặt trong những ngày qua ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài giảm thuế phí, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cũng cần có những chính sách khẩn trương để “hạ nhiệt” giá xăng, hạ chi phí logistics, hỗ trợ công cuộc tái thiết của người dân và doanh nghiệp sau chuỗi ngày lao đao vì dịch bệnh.

Bà Phạm Thị Huân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết thời gian qua giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến các khâu sản xuất của công ty như: bao bì đóng gói, chi phí vận chuyển, giá thức ăn chăn nuôi… So với trước đó, ước giá nguyên vật liệu đầu vào đã tăng khoảng 30%, trong khi Công ty vẫn giữ bình ổn giá trứng gia cầm và thực phẩm chế biến bán ra thị trường.

Bà Huân giải thích sở dĩ Ba Huân không tăng giá sản phẩm thời điểm này là do thị trường vừa mới trải qua giai đoạn giãn cách kéo dài, thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm, dẫn tới sức mua còn yếu. Thậm chí để kích cầu tiêu dùng, Công ty còn phải liên tục thực hiện các đợt khuyến mãi, giảm giá trứng gia cầm nên chuyện tăng giá sản phẩm trong thời gian này là rất khó. “Để giữ giá sản phẩm bình ổn, chúng tôi phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí bù lỗ một phần. Chính vì vậy về lâu dài, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Nhà nước cần có chính sách kích cầu tiêu dùng gắn với ổn định giá thị trường, tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, góp phần giảm lỗ” – “Thuyền trưởng” của Ba Huân nhấn mạnh.

Còn theo ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí điện Tp.HCM, hiện nay hầu hết các ngành sản xuất dù ít hay nhiều đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, chính vì vậy chi phí xăng dầu tăng đã tác động mạnh vào giá thành sản phẩm. Hiện nay đang vào thời điểm cuối năm, các loại hàng hóa – dịch vụ được tiêu thụ nhiều, chính vì vậy giá xăng dầu tăng sẽ là bài toán khó cho các doanh nghiệp trong đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, người tiêu dùng. “Trong giai đoạn này, giảm thuế phí là giải pháp phù hợp để kìm đà tăng giá xăng dầu, hạ chi phí logistics, hỗ trợ công cuộc tái thiết của người dân và doanh nghiệp sau chuỗi ngày lao đao vì dịch bệnh” – ông Tống nhận định.

Đồng quan điểm, PGS – TS. Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM nhấn mạnh giá xăng dầu tăng sẽ có những tác động nhất định tới hoạt động vận tải cũng như hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để kìm hãm đà tăng giá hiện nay có hai công cụ gồm: Quỹ bình ổn xăng dầu và thuế. Nếu Bộ Tài chính sử dụng hai công cụ này một cách hợp lý thì sẽ giúp giảm được tỷ lệ tăng của giá xăng dầu. Ngoài ra Chính phủ cũng cần xem xét can thiệp hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu bởi hiện nay giá xăng dầu tăng rất nhanh và thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường cũng cần phải được sử dụng để điều tiết khi giá xăng dầu tiếp tục tăng.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng giá xăng dầu chỉ là một phần trong kết cấu giá cả hàng hóa và chỉ những hàng hóa như nông sản, vận chuyển hoặc giá vận tải, shipper mới chịu tác động trực tiếp; còn lại với các hàng hóa khác và dịch vụ mức ảnh hưởng sẽ giảm dần. Dù vậy giá xăng dầu tăng phi mã ở thời điểm hiện tại cũng sẽ có những tác động nhất định tới việc tăng giá hàng hóa trong thời gian tới.

Theo ông Hiển, để giá hàng tiêu dùng không bị tăng mạnh, về lâu dài cần chú trọng đẩy mạnh kinh tế thị trường; trong đó Bộ Công Thương giữ vai trò rất quan trọng trong việc chống độc quyền hoặc chống lợi ích nhóm, tránh tình trạng thổi giá, giữ giá cả hàng hóa ở mức độ hợp lý. Ngoài ra yếu tố giá logistics quá cao cũng dẫn tới giá hàng hóa bị chi phối ở mức cao. Chính vì vậy Chính phủ phải có giải pháp đồng bộ, nhanh chóng hơn nhằm khắc phục vấn đề này, góp phần “hạ nhiệt” chi phí logistics để từ đó tạo những tác động tích cực hơn tới thị trường hàng hóa tiêu dùng.

Thành Trung