Giảm phát của các nhà máy ở Trung Quốc chậm lại trong tháng 7
Tình trạng giảm phát của các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm bớt trong tháng 7, do giá dầu toàn cầu tăng và hoạt động công nghiệp tăng trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, điều làm tăng thêm dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 2,4% so với một năm trước đó vào tháng 7, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (10/8), so với mức giảm 2,5% trong cuộc thăm dò của Reuters và mức giảm 3% trong tháng Sáu.
Các nhà phân tích cho rằng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đang dần trở lại mức đã thấy trước khi đại dịch làm tê liệt nền kinh tế khổng lồ, khi nhu cầu bị kìm hãm, chính phủ đưa ra gói kích thích và xuất khẩu có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên đã tăng hơn 50% trong năm nay trong khi giá thép thanh được sử dụng trong xây dựng tăng 12%.
Theo Dong Lijuan, chuyên gia thống kê cấp cao của NBS, giá xăng dầu và khí đốt tự nhiên đã dẫn đầu mức tăng mạnh, tăng 12% so với tháng trước nhờ giá dầu thô toàn cầu tiếp tục phục hồi. Giá khai thác than và sản xuất ô tô cũng chuyển biến tích cực trong tháng 7.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Việc tăng thêm kích thích tài khóa sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong những tháng tới, hỗ trợ sự phục hồi hơn nữa trong hoạt động kinh tế và giá sản xuất”.
Thời tiết xấu
Tuy nhiên, PPI tăng 0,4% hàng tháng, không thay đổi so với mức tăng hồi tháng 6, điều cho thấy những căng thẳng trong hoạt động xây dựng và sản xuất do lũ lụt gần đây ở miền nam Trung Quốc. Một số nhà kinh tế đã cảnh báo sự phục hồi có thể bị đình trệ trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng thận trọng và sự bùng phát COVID-19 toàn cầu.
Lạm phát tiêu dùng cũng tăng trong tháng 7 do thời tiết xấu đẩy giá thực phẩm lên cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,7% so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất trong ba tháng và so với mức dự kiến tăng 2,6% và mức tăng 2,5% trong tháng 6.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn tăng cao, tăng 85,7% hàng năm. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, chỉ tăng 0,5% trong tháng 7 so với một năm trước đó.
Hu Yuexiao, trưởng nhóm phân tích vĩ mô tại chứng khoán Thượng Hải cho biết: “Việc tăng giá cao hơn dự kiến sẽ củng cố quyết tâm bình thường hóa chính sách của các cơ quan quản lý tiền tệ”.
Tùng Chi