Giám đốc điều hành BioNTech: Chưa cần tới tiêm vắc xin liều ba

Xác nhận dữ liệu được Israel công bố tuần trước, Giám đốc điều hành của BioNTech cho biết khả năng miễn dịch chống lại COVID-19 đang suy giảm ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vắc xin của BioNTech và Pfizer vào tháng 1 do biến thể Delta lây lan nhanh chóng.
Tuy nhiên, ngay cả khi mức độ kháng thể giảm bảy tháng sau khi chủng ngừa ở một số người đã tiêm vắc xin, thì hầu hết họ sẽ vẫn được bảo vệ chống lại bệnh nặng và có thể chưa cần đến liều thứ ba, theo Ugur Sahin, Giám đốc điều hành của BioNTech.
Sahin cho biết: “Hiệu các kháng thể đang giảm xuống. Khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại biến thể mới thấp hơn đáng kể.”
Ông Sahin đưa ra bình luận trên sau khi dữ liệu sơ bộ từ Israel cho thấy những người đã tiêm vắc xin vào tháng 1 có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn gấp ba lần so với những người đã tiêm vắc xin vào tháng 5.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky cho biết tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Năm rằng vắc xin cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại nhiễm trùng, bệnh nghiêm trọng và tử vong do biến thể Delta.
Các chính phủ bây giờ sẽ cần phải quyết định xem họ muốn tiêm liều thứ ba để tăng cường miễn dịch, hay liệu có để cho phép tình trạng nhiễm bệnh được kiểm soát ở những người đã được tiêm chủng hay không, với nhận thywcs rằng họ có thể sẽ không gặp các triệu chứng đe dọa tính mạng.
Sự suy yếu của tuyến phòng thủ đầu tiên – các kháng thể – có nghĩa là những người được tiêm chủng có thể bị nhiễm lại, nhưng không có bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch tế bào của họ đang giảm, vì hầu hết các trường hợp nhiễm trùng sẽ không kết thúc thành bệnh nặng, Sahin nói.
Dữ liệu sơ bộ mẫu nhỏ được Bộ Y tế Israel công bố vào tuần trước cho thấy sau hai mũi tiêm, vắc xin có hiệu quả 39% trong việc giảm nguy cơ nhiễm bệnh và 40% hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng trong giai đoạn các ca mắc biến thể Delta chiếm đa số. Bộ Y tế Israel cho biết vắc xin có hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng trong cùng khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 6 đến ngày 17 tháng 7.
Israel đã bắt đầu cung cấp liều thứ ba cho những người bị suy giảm miễn dịch trong tháng này và các chuyên gia chính phủ đang nghiên cứu xem liệu liều này có cần thiết cho dân số rộng rãi hay không.
Không giống như Pfizer, vốn ủng hộ tiêm liều thứ ba, Sahin nói rằng ông sẽ không đưa ra lời khuyên công khai về việc có nên sử dụng liều thứ ba, được gọi là liều tăng cường hay không và ông sẽ chỉ giải thích dữ liệu khi chúng đến từ các nghiên cứu thực tế như như nghiên cứu được tiến hành ở Israel. Ông nói: “Cuộc tranh luận này phải tiến hành mà không có chúng tôi: Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp dữ liệu và các chính phủ sẽ cần cho chúng tôi biết họ muốn gì”.
Quang Thành