Giá thịt lợn tăng không phải do thiếu nguồn cung
Ngày 14/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức Tọa đàm trực tuyến đảm bảo cung- cầu thịt lợn dịp Tết. Theo đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN &PTNT), nguyên nhân khiến giá lợn tăng đột biến trong thời gian ngắn không phải do thiếu nguồn cung mà vấn đề nằm ở khâu lưu thông và thông tin về giá thịt lợn.
Nhận định về nguyên nhân khiến giá lợn tăng đột biến trong thời gian ngắn, theo đại diện Cục Chăn nuôi, không phải do thiếu nguồn cung. Bởi lẽ, so với thời điểm khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, đến nay mới chỉ thiệt hại khoảng 8,5% tổng đàn lợn, với 5,8 triệu con, tương đương với 3,8 triệu tấn thịt lợn. Giá lợn hơi cả nước hiện nay dao động từ 58 nghìn đến 65 nghìn đồng1 kg lợn hơi. Vấn đề ở đây là do khâu lưu thông và thông tin về giá thịt lợn.
Cụ thể, do thông tin chưa rõ ràng về nguồn lợn tại từng địa phương nên đã gây tâm lý hoang mang dẫn đến người dân và thương lái nâng giá bán, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thu mua chụp giật càng đẩy giá lên cao.
Cùng với đó là các hộ chăn nuôi lớn, vì ký kết với các công ty lớn bao tiêu nên thương lái không thể thu mua, đành phải mua ở các hộ nhỏ lẻ giá cao. Cũng chính vì diễn biến phức tạp của giá lợn trong nước và dự báo tăng cao, mặc dù lợn đã đạt trọng lượng, nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn quyết giữ để chờ thêm giá dẫn đến tình trạng cầu vượt cung. Bên cạnh đó do thông tin từ nhiều nguồn dẫn đến “hiệu ứng xã hội” về giá thịt lợn tăng cao khiến bất lợi về quan hệ cung – cầu thịt lợn trên thị trường.
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Cục Thú ý lưu ý, đối với những địa phương đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả lợn Châu Phi có thể tái đàn nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, tái đàn có kiểm soát và an toàn sinh học.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc khống chế dịch bệnh và tái đàn, ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bắc Giang cho hay, Bắc Giang hiện có 208/230 xã đã qua 30 ngày là không phát sinh dịch, ngay từ đầu tháng 8 khi có hiện tượng không phát sinh dịch thì ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ra ngay các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tái đàn.
“Trong các văn bản hướng dẫn này chúng tôi cũng đã thống kê và công khai các trang trại, doanh nghiệp đủ điều kiện tái đàn các sản phẩm vi sinh phù hợp với việc tái đàn theo mô hình an toàn sinh hoạt và tất nhiên không thể thiếu việc hướng dẫn chi tiết các loại hình chăn nuôi an toàn. Trong quá trình tái đàn, chúng tôi cũng kiểm soát rất gắt gao việc thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sinh học. Không vì tái đàn vội vàng mà bỏ qua các quy trình an toàn để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh”, ông Lê Văn Dương cho biết.
Kết quả, hiện Bắc Giang đang có 800.000 con lợn được chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, trong đó đàn lợn nái là gần 100.000 con, 376 trang trại chăn nuôi an toàn.
Qua hơn 10 tháng ứng phó, đến thời điểm hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đã từng bước được khống chế, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thịt lợn dự báo sẽ tăng cao từ 5-7% vào dịp cuối năm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Đại diện Cục Thú Y nhìn nhận để kiểm soát dịch trong thời gian tới việc chính là tổ chức triển khai ở cơ sở, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toan sinh học. Tại các địa phương đã qua 30 ngày thì biện pháp kiểm soát an toàn sinh học lại càng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển sản phẩm lợn giữa các nước xung quanh, giữa các tỉnh với nhau cũng như việc lưu thông sản phẩm lợn sau giết mổ.
Duy Sơn