Gia tăng hiệu quả thực thi CPTPP – Cần hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

Sau hơn 1 năm chính thức có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ít nhiều đã tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP đã đạt mức tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy bước đầu nước ta đã tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường…

Đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu

Theo báo cáo chính thức của Chính phủ trình Quốc hội để phê chuẩn CPTPP, khi Hiệp định được đưa vào thực thi, dự kiến đến năm 2035 kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ tăng 4,04%, tương đương mỗi năm tăng khoảng 700 triệu USD.

 Tuy nhiên trong thực tiễn thực thi, Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội CPTPP mang lại so với dự báo đưa ra. Theo đó trong năm 2019 – năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, chỉ tăng 1%. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, cho thấy bước đầu Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; đặc biệt 2 thị trường trước đây chưa có Hiệp định thương mại tự do là Canada và Mexico đều tăng trưởng ở mức từ 26-29%.  “Có thể thấy tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 của cả nước có sự đóng góp tích cực của quá trình thực thi CPTPP. Tất nhiên, không thể nói tất cả các con số này đều nhờ CPTPP, nhưng tôi nghĩ CPTPP có đóng góp phần nào. Đặt trong trong bối cảnh toàn cầu năm 2019, trong khi hầu hết các nước láng giềng đều gặp khó khăn rất lớn thì Việt Nam lại ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao, đặc biệt với 2 thị trường mới nhờ Hiệp định CPTPP là một kết quả rất đáng ghi nhận”, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Lương Hoàng Thái, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết 2019 là năm rất đặc biệt đối với thương mại không chỉ của Việt Nam mà của cả toàn cầu khi căng thẳng thương mại xuất hiện ở nhiều điểm trên thế giới làm cho dòng chảy thương mại và đầu tư bị biến đổi rất mạnh. Vì vậy, những kết quả đạt được trong năm 2019 có đóng góp lớn của các hiệp định, trong đó có CPTPP. “Trong khi có rất nhiều nước xuất khẩu bị chậm lại thì chúng ta vẫn tăng 8,1%, điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng như các hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Đa số các cam kết của chúng ta trong CPTPP đã hoàn thành cơ bản, đó là kết quả đáng ghi nhận” – bà Trang cho hay.

Cùng với tăng trưởng xuất khẩu, bước đầu một số ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng hiệu quả cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu như: dệt may, da giày, gỗ, thủy sản… Đánh giá về việc tận dụng cơ hội từ CPTPP đối với doanh nghiệp da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết sau hơn một năm thực thi CPTPP, xuất khẩu của ngành da giày đã có bước tăng trưởng đáng kể. Cụ thể xuất khẩu mặt hàng này đối với các nước thành viên CPTPP tăng 11%; đặc biệt là tại các thị trường Canada và Mexico đều có sự tăng trưởng xuất khẩu cao trong năm 2019.

 Vẫn còn nhiều việc phải làm

Bên cạnh những thành quả ban đầu đạt được, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết cơ hội từ CPTPP. Cụ thể theo ông Lương Hoàng Thái, vấn đề này có hai mặt: thứ nhất, chúng ta có thể tận dụng tốt hơn nữa một số khía cạnh; thứ hai, nhiều người vẫn trông đợi CPTPP như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây, trong đó có Hoa Kỳ. “Trong quá trình báo cáo Quốc hội để phê chuẩn Hiệp định CPTPP, chúng tôi nhận định, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định, cơ hội không lớn như trước nữa. Nhưng với chủ trương thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt chuẩn bị cho những bước cao hơn, cho nên Quốc hội vẫn quyết định phê chuẩn” – ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), CPTPP sau 1 năm có hiệu lực, doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để thâm nhập những thị trường mới mà trước đó chưa tiếp cận được, tuy nhiên tăng trưởng xuất khẩu chưa toàn diện và chỉ tập trung ở một số thị trường. 

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng tác động của thể chế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bối cảnh CPTPP đã được triển khai trong hơn 1 năm qua. Từ lâu cộng đồng DN trong nước đã nhìn nhận cơ hội lớn nhất từ CPTPP thực chất là áp lực hoàn thiện thể chế bởi CPTPP là tiêu chuẩn, định hướng cho nhiều cải cách thể chế ở Việt Nam; đồng thời CPTPP cũng là sức ép cho Việt Nam cải cách, nhiều vấn đề khó như môi trường, lao động…. “CPTPP có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Vì vậy, để thực thi CPTPP hiệu quả hơn nữa đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm: hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP; cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và kịp thời rà soát, ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP” – bà Trang khuyến nghị.

Hạnh Phúc