Giá heo hơi liên tục tăng cao bất thường tại Đông Nam Bộ
Tại khu vực miền Đông Nam bộ, giá heo hơi hiện đã vượt hơn 60.000 đồng/kg và dự báo giá sẽ còn tăng. Các chủ trang trại chăn nuôi heo nhận định, giá heo hơi vọt lên cao là do nguồn cung giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ thịt heo đã nhích dần lên, heo được mua đưa ra miền Bắc và có thể xuất đi Trung Quốc.
Ngày 6/11, một số doanh nghiệp thu mua heo tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng một tuần trở lại đây, giá heo hơi, giá thịt heo liên tục tăng và dự báo xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp diễn. Cụ thể, giá heo hơi mua vào ngày 6/11 đã tăng thêm 3.000 đồng/kg, đưa giá heo hơi vọt lên 60.500-61.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp cho hay, nguồn cung heo hơi đã giảm so với trước đây không lâu buộc phải mua heo hơi ở một số trang trại ngoài liên kết đã ký hợp đồng bao tiêu dài hạn với giá 62.000-63.000 đồng/kg.
Tại các chợ đầu mối, nguồn cung thịt heo cũng đã giảm và giá tăng. Tại chợ Hóc Môn ngày 30/10, lượng heo về chợ đạt 382 tấn/ ngày, nhưng ngày 6/11 chỉ có 343 tấn/ngày, giảm 39 tấn. Giá heo hơi tăng 3.000 đồng/kg, lên mức 60.000 – 60.500 đồng/kg; riêng giá thịt heo đã tăng bình quân từ 6.000- 8.000 đồng/kg tùy loại so với trướcđó khoảng một tuần. Ông Hứa Bình Lâm, một thương lái chuyên mua heo ở khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết: mấy ngày qua đã có nhiều xe hàng chuyển heo đi ra Bắc khiến cho nguồn cung heo hơi thêm khan hiếm. Hiện tại giá heo hơi ở miền Bắc đã tăng đến 70.000 đồng/kg, tức tăng hơn so với khu vực miền Đông Nam bộ 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Văn Hiến, chủ trại chăn nuôi heo ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai lý giải, trước khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, tổng đàn heo của Đồng Nai có hơn 2,5 triệu con, hiện tại ngành nông nghiệp thống kê tổng đàn heo đã giảm xuống còn khoảng 60% so với trước. Theo ông Hiến, tổng đàn heo giảm là do nhiều người đã dừng nuôi, một số trang trại chuyển qua chăn nuôi gà nên nguồn cung thịt heo cho thị trường giảm là vì vậy. Giá heo ở khu vực miền Đông Nam bộ mấy ngày gần đây tăng mạnh là quy luật cung- cầu của thị trường, chắc chắn mặt hàng thịt heo sẽ còn tiếp tục biến động và điều này được dự báo trước.
Nguồn cung heo hơi giảm, giá thịt heo tăng, số lượng thịt heo nhập khẩu từ đầu năm đến nay cũng đã tăng rất mạnh so với trước. Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2019, sản lượng thịt heo nhập khẩu qua các cửa khẩu hải quan của TP. Hồ Chí Minh đạt 10.820 tấn, tăng 155%; kim ngạch đạt hơn 21,3 triệu USD, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2018. Thịt heo nhập khẩu đứng đầu là Brazil, chiếm hơn 50% tổng số lượng và kim ngạch. Theo các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt heo, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người Việt Nam chiếm 60-70% và sản phẩm được chọn nhiều nhất là thịt heo tươi nóng. Đối với thịt heo nhập khẩu, người tiêu dùng ít có thói quen dùng thịt đông lạnh, lượng heo đông lạnh nhập khẩu chủ yếu dùng để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm và kinh doanh tại các quán ăn, nhà hàng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con; 11 cơ sở giết mổ heo, số lượng giết mổ bình quân 6.500-7.000 con/ngày. Trong đó nguồn heo nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai, chiếm 47,27%; Bình Dương (17,88%), Bà Rịa – Vũng Tàu (10,95%), Bình Phước (7,29%), Tây Ninh (2,99%), Bình Thuận (2,52%) và một số tỉnh miền Tây Nam bộ như Tiền Giang (3,99%), Vĩnh Long (0,66%), Long An (0,42%), Bến Tre (0,5%)… Sản lượng thịt heo được giết mổ tại các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai cung ứng về thành phố tiêu thụ khoảng 2.300-2.500 con/ngày.
Hiện tại, theo bà Trang, sản lượng tiêu thụ thit heo tại chợ giảm, nhưng ở các siêu thị tăng nhẹ. Riêng sản lượng tiêu thụ tại hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra,Vissan…tăng khoảng 30% do giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Để ổn định thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, bên cạnh giải pháp căn cơ là xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, Sở Công Thương thành phố đang tập trung các giải pháp như theo dõi sát thị trường thịt heo và thực phẩm thay thế (thịt gia cầm, rau củ quả…); triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; đôn đốc doanh nghiệp tiếp tục chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng thịt heo; xử lý kịp thời các thông tin sai lệch về thị trường thịt heo; kích cầu các mặt hàng thay thế (thịt gia cầm, rau củ quả…).
“Hiện các doanh nghiệp bình ổn thị trường thịt gia cầm như San Hà, Ba Huân…đều đã xây dựng phương án tăng nguồn cung. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường đều đã có kế hoạch, phương án; tổng thời gian từ lúc đặt hàng đến cửa hàng bán lẻ dao động 45-60 ngày để cung cấp hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong trường hợp cần thiết, ngành Công Thương và các doanh nghiệp chủ lực sẽ xem xét phương án tăng cường nhập khẩu thịt heo để bù vào nguồn cung thiếu hụt nếu như thi trường có biến động”, bà Trang cho biết thêm.
Duy Sơn