Giá gạo xuất khẩu Việt Nam ở mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây

Ngày 3/1/2021, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên ở mức kỷ lục 505 USD/tấn. Đây cũng là mức giá cao nhất trong 9 năm trở lại đây

Giá gạo tăng cao xuất phát từ việc nguồn cung gạo sụt giảm và Philippines không ngừng mua vào. Thêm vào đó tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp đẩy nhu cầu dự trữ gạo của nhiều nước tăng lên, giá gạo theo đó cũng tăng cao.

Một thương nhân tại Tp.HCM cho biết khách hàng từ Philippines vẫn tiếp tục thu mua gạo với số lượng nhỏ. Những ngày gần đây hoạt động giao dịch diễn ra chậm hơn do ảnh hưởng đợt nghỉ Tết dương lịch 2021.

Số liệu sơ bộ của Chính phủ cho thấy giá gạo tăng mạnh đã đẩy giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2020 tăng cao (dự kiến tăng 9,3% lên 3,07 tỷ USD) trong khi sản lượng xuất khẩu giảm (giảm 3,5% xuống còn 6,15 triệu tấn).

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm tiêu chuẩn của Thái Lan có giảm nhẹ 4-6 USD/tấn, ở mức 510-516 USD/tấn. Gía gạo xuất khẩu Ấn Độ giữ nguyên ở mức 381-387 USD/tấn do nhu cầu ổn định từ các nước châu Á và châu Phi.

Về phía Bangladesh, nhằm tăng cường nguồn dự trữ và giảm giá thành sản phẩm, quốc gia này đã thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 62,5% xuống 25% và cho phép doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu gạo có giới hạn.

Do thiên tai làm mất mùa, cung không đủ cầu nên từ tháng 3/2020 đến nay, giá gạo tại Bangladesh đã tăng khoảng 50%. Dự kiến Bangladesh sẽ nhập khẩu khoảng 300.000 tấn gạo phục vụ nhu cầu trong nước và Chính phủ nước này cũng đang hoàn tất việc mua 150.000 tấn gạo của Liên đoàn Tiếp thị hợp tác nông nghiệp quốc gia Ấn Độ (NAFED).

Minh Tâm