Giá container tăng phi mã, doanh nghiệp logistics Việt vẫn gặp khó…

Mặc dù thời gian qua giá container tăng cao gấp 5, gấp 10 lần song doanh thu của doanh nghiệp logistics Việt vẫn khó bù nổi chi phí, xuất phát từ nguyên nhân chính là dịch bệnh Covid – 19 khiến hoạt động vận tải tắc nghẽn, hàng hóa ùn ứ…

Năm 2020, đại dịch Covid – 19 hoành hành tác động không nhỏ đến nền kinh tế nói chung – ngành vận tải nói riêng, trong đó vận tải hàng hóa đường bộ đạt trên 117,3 triệu tấn vận chuyển. So với năm ngoái, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải ô tô giảm khoảng 25-60%.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu vận chuyển hành khách đã giảm 30% so với trước khi có dịch, tương tự vận chuyển hàng hóa cũng sụt giảm 10%. Cầu giảm trong khi các thủ tục để vận chuyển hành khách và hàng hóa lại tăng là  nguyên nhân đẩy các chi phí phát sinh tăng cao.

Bước sang năm 2021, ngành vận tải tiếp tục đối mặt với khó khăn do dịch bệnh tái bùng phát, nhất là đối với ngành vận tải biển. Tại bản góp ý dự thảo Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mặc dù thời gian qua giá container tăng phi mã song chủ yếu là các hãng tàu của nước ngoài được hưởng lợi, còn doanh nghiệp logistics Việt vẫn lao đao do chuỗi cung ứng đứt gãy, tắc nghẽn tại cảng; việc bốc dỡ và bổ sung hàng hóa bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó chính sách lưu thông hàng hóa, dịch vụ tại mỗi quốc gia có sự khác nhau do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dẫn tới việc vận tải khó khăn, ùn tắc và chi phí tăng. Hậu quả là dù doanh thu của các công ty vận tải có tăng vẫn không bù đắp đủ khoản chi phí đội lên quá nhiều.

Đáng chú ý, các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến ngành logistics cũng gián tiếp làm ảnh hưởng đến các ngành hàng khác. Đơn cử như đối với các doanh nghiệp dệt may, lợi nhuận của các doanh nghiệp này bị giảm sút nghiêm trọng do các chi phí trung gian (chi phí vận chuyển, logistics…) tăng cao cộng thêm tình trạng thiếu container rỗng đóng hàng. Đặc biệt, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố có sự kiểm soát không thống nhất, dẫn đến hàng hóa ùn ứ, nguyên vật liệu từ cảng Hải Phòng không lấy về được, cũng không xuất/bán được hàng hóa, sản phẩm.

Còn với các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng gặp khó khăn về dòng tiền, thiếu container rỗng và đặt biệt là chi phí logistics giá tăng cao. Trong đó giá container đi thị trường Trung Đông đã tăng gấp 5 lần so với ngày thường, từ 2.000 USD/container tăng lên 10.000 USD/container.

Bảo Anh